Ngày 28/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre khai mạc trưng bày sự kiện Nguyễn Đình Chiểu - Cuộc đời và sự nghiệp tại, di tích quốc gia Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri.
Tại sự kiện, nhiều khán giả chú ý đến quyển thư pháp kích thước 1,8x1,4m, được chế tác thủ công bằng giấy xuyến chỉ, đóng trong vỏ hộp gỗ sồi phối gỗ gõ đỏ, chạm nổi chân dung cụ Nguyễn Đình Chiểu. Sách gồm 209 trang, trong đó 200 trang chính gồm nhiều tác phẩm nổi tiếng của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và tuyển tập thơ của các thế hệ sau viết về ông.
Sau lễ trưng bày, Bến Tre sẽ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, chủ đề Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay, với 17 tham luận của tác giả nước ngoài, 79 tham luận của các tác giả trong nước.
Nguyễn Đình Chiểu, tên thường gọi là Đồ Chiểu, sinh ngày 1/7/1822 trong một gia đình nhà nho tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay là phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM.
Năm ông 10 tuổi, cha ông bị mất chức quan trong triều đình phong kiến. Một năm sau ông được gửi ra học ở Huế. Năm 1843, Nguyễn Đình Chiểu thi đỗ tú tài tại trường thi Gia Định. Ba năm sau ông ra Huế tiếp tục học, chờ triều đình mở khoa thi Kỷ Dậu (1849). Nhưng khi nghe tin mẹ mất ở quê nhà, ông bỏ thi, trở về nhà chịu tang. Trên đường về, phần vì thương khóc, phần vì vất vả do thời tiết, Nguyễn Đình Chiểu bị ốm nặng dẫn đến mù hai mắt.
Sau khi mãn tang mẹ, bị vị hôn thê bội ước, ông bắt đầu dạy học, làm thầy thuốc giúp dân nghèo và sáng tác thơ văn. Ông lắng nghe, tự học qua người thân, học thuộc lòng kiến thức y học, các sách vở thánh hiền, dạy học bằng trí nhớ thông qua truyền khẩu.
Nhiều học trò của Đồ Chiểu đã đỗ đạt. Trong đó, có các người con của ông là Nguyễn Thị Khuê (bút hiệu Sương Nguyệt Anh) - nhà thơ nữ, chủ bút đầu tiên của tờ báo Nữ giới chung, Nguyễn Đình Chiêm, tác giả tuồng hát bội nổi tiếng như Phấn Trang Lầu và Phong Ba Đình...là những nhân vật có đóng góp sâu sắc cho sự đổi mới văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Thi hào Nguyễn Đình Chiểu là ngọn cờ đầu của dòng văn học yêu nước Việt Nam thời cận đại. Các tác phẩm văn chương của ông thể hiện lòng yêu nước, khí tiết mạnh mẽ của trí thức Việt Nam nửa sau thế kỷ 19.
Ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm thơ Nôm có giá trị, đi vào lòng người như truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp cùng nhiều bài thơ Đường luật, thơ điếu và văn tế như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Nguyễn Đình Chiểu mất ngày 3/7/1888 tại làng An Bình Đông, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), từ ngày 9 đến ngày 24/11/2021,UNESCO đã thông qua nghị quyết vinh danh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại.