Đại diện một hãng bay cho biết bộ phận thương mại họp liên tục để lên kế hoạch khai thác bay quốc tế trong thời gian tới. Nếu bay ngay sau ngày 15-2 vẫn chưa hiệu quả, các hãng cần thời gian lên chương trình kích cầu, thăm dò nhu cầu thị trường, lượng khách đi lại rồi mở bán vé.
Chưa kể, hãng bay muốn bay nhưng vẫn phụ thuộc vào độ mở cửa của từng quốc gia.
Bà Đặng Thị Thanh Huyền, đại diện Hãng Asiana Airlines tại khu vực miền Nam, cho rằng tuy không còn hạn chế đối với các chuyến bay thương mại nhưng về quy định xuất nhập cảnh đối với khách vẫn chưa trở lại như trước dịch. Vì vậy khách được nhập cảnh vẫn còn ít.
Dự định thời gian đầu, hãng hàng không lớn thứ 2 của Hàn Quốc này sẽ khai thác 3 chuyến/tuần giữa Việt Nam - Hàn Quốc.
Vietnam Airlines nhận định từ nay đến cuối tháng 4, khách nhập cảnh vào Việt Nam vẫn sẽ tập trung chủ yếu là khách Việt hồi hương và một số ít khách công vụ, chuyên gia.
Trước mắt, hãng duy trì các đường bay quốc tế thường lệ đến và đi từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Úc, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Lào và Campuchia.
Tùy thị trường và nhu cầu của khách, hãng khai thác tần suất duy trì khoảng 1 - 5 chuyến/tuần, riêng đường bay Nhật lên đến 7 chuyến/tuần.
Đại diện Hãng hàng không Bamboo Airways cho biết đã chuẩn bị để khai thác chuyến bay đến các thị trường khách trọng điểm của Việt Nam từ rất sớm, dài hạn, bài bản, kỹ lưỡng.
Theo đại diện hãng, trong tháng 3-2022 sẽ đẩy mạnh khai thác bay quốc tế thường lệ Hà Nội - Narita, Đài Bắc, Incheon (Hàn Quốc), Singapore, Thái Lan và dự kiến phát triển nhiều đường bay tới Lào, Campuchia... ngay trong hè 2022.
"Tân binh" Vietravel Airlines cũng cho biết đang xúc tiến làm việc với các đối tác du lịch trong nước và tổng đại lý tại nước ngoài để đưa khách du lịch từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.
Hãng này nhắm đến khai thác các thị trường khá cởi mở như Thái Lan, Indonesia vào cuối quý 2-2022 và các thị trường trong khu vực Đông Bắc Á vào quý 3 và quý 4-2022.
Chiều 15-2, đại diện Vietjet cũng cho biết sẽ tăng gấp đôi tần suất bay từ TP.HCM - Bangkok 6 chuyến khứ hồi/tuần và giảm 50% giá vé so với thời điểm hiện tại. Với đường bay này, Vietjet bay trở lại hằng ngày sau một thời gian dài bị hạn chế do đại dịch.
Hãng cũng nhanh chóng khôi phục toàn bộ mạng bay sau khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế từ Hà Nội, TP.HCM với Tokyo, Đài Bắc, Seoul, Singapore và Bangkok.
Khách du lịch nước ngoài tham quan TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Còn nhiều trở ngại
Bộ GTVT đã công bố mở bay thương mại định kỳ với tất cả các nước và Cục Hàng không đang khẩn trương đàm phán với nhà chức trách hàng không các nước. Tuy nhiên vẫn có những khó khăn trong việc mở cửa quốc tế, cần sớm giải quyết mới có thể thông thoáng trong lộ trình chào đón khách đến Việt Nam.
Như nhiều doanh nghiệp băn khoăn về những trở ngại như về thị thực và kiến nghị Bộ Ngoại giao cần cấp mới thị thực cho khách, kể cả chuyên gia, doanh nhân, nhà đầu tư chưa có thị thực nhưng muốn sang Việt Nam hợp tác làm ăn. Áp dụng miễn thị thực song phương, đa phương, đơn phương với khách ở các quốc gia như đã áp dụng trước dịch.
Hiện tại Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vắc xin của khoảng 73 quốc gia, vùng lãnh thổ. Vấn đề là phải đàm phán để các quốc gia cũng công nhận hộ chiếu vắc xin cho công dân Việt Nam. Nếu không, như Singapore hiện nay, công dân Việt Nam đến nước này sẽ bị cách ly.
Ngoài ra, theo các chuyên gia trong ngành, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cần lên phương án cho phép tất cả các tỉnh thành mở cửa đón khách quốc tế bình thường. Bởi muốn thu hút được khách quốc tế đến du lịch cần phải có quy trình chống dịch như khách nội địa, không cách ly du khách.
Thống nhất áp dụng kết quả xét nghiệm PCR, ai âm tính, đã tiêm 2 mũi thì được nhập cảnh, không bị cách ly.
"Các doanh nghiệp lữ hành, hàng không đang "nóng ruột" chờ các bộ ban hành sớm các quy định ngay trong tháng 2 này để lập kế hoạch, chuẩn bị phương án bay, đón khách du lịch. Từ đó khách có thời gian sắp xếp, chọn lựa điểm đến chủ động hơn. Vì công tác chuẩn bị của các hãng hàng không và du lịch cần tới cả tháng", đại diện một hãng bay nhấn mạnh.
Hành khách tại ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chiều 15-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giám sát phòng dịch thế nào khi mở chuyến bay quốc tế?
Ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - trả lời về vấn đề trên:
- Người nhập cảnh trước khi vào Việt Nam phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính 72 giờ tính đến thời điểm nhập cảnh.
- Khai báo y tế trước khi nhập cảnh và khai báo y tế trên phần mềm PC-COVID sau khi nhập cảnh, không phải xét nghiệm nhanh khi tới sân bay như trước đây.
- Người đã tiêm đủ mũi vắc xin hoặc vừa khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng được phép tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 3 ngày. Đến ngày thứ 3 y tế địa phương sẽ tới lấy mẫu xét nghiệm; nếu âm tính, theo dõi thêm nửa ngày.
- Người tiêm chưa đủ mũi vắc xin thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày (nếu đủ điều kiện), lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7 và tự theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 7 ngày.