Alo. Anh hai hả? Anh đang ở đâu vậy?
Anh Hai đang ở cơ quan, có gì không cô út?
Chiều về sớm tranh thủ qua nhà em đón Mẹ về nhà anh chị nhé!
Ủa, còn ba ngày nữa Mẹ mới qua nhà anh mà? Sao đón sớm vậy?
Em biết, nhưng mai vợ chồng em đi du lịch với cơ quan cả tuần mới về. Anh hai đón mẹ về nhà anh giùm em sớm vài hôm, tháng sau em bù lại cho.
Thôi được rồi, để anh về bàn với bà xã rồi tính sau
Nghe cuộc nói chuyện của cô con gái, bà Tư buông tiếng thở dài não ruột. Bà đứng lên lửng thững bước chậm chậm ra sân. Bà Tư cầm cái chổi lên quét quanh sân mà lòng ngổn ngang bao nỗi niềm. Bà Tư nhớ lại …
Chồng chết sớm để lại cho bà Tư hai đứa con còn thơ dại. Lúc đó thằng Hai vừa mới chập chững biết đi những bước đầu tiên, con Út thì đang còn nằm nôi. Biết bao nhiêu khổ cực dồn hết lên đôi vai của bà, một sớm hai sương bà tảo tần lo cho hai đứa con khôn lớn. Buông cái này là bà chụp cái kia, làm và chỉ biết làm, miễn sao có tiền nuôi con là được
Khi hai con khôn lớn. Con Út muốn se sua với bạn thỏ thẻ với bà: “Mẹ ơi con muốn mua áo mới”, thằng Hai thì “mẹ ơi, cho con tiền mua chiếc xe đạp”. Bà lúc nào cũng vui vẻ ” Uhm. Để đó mẹ lo”.
Cứ thế, thằng Hai con Út trưởng thành chỉ biết ăn và học trong vòng tay của Mẹ đến khi ra trưởng và lập gia đình riêng. Cả hai đứa đều thành danh trong xã hội. Lúc hai đứa con còn nhỏ, tuy nghèo nhưng rộn rã tiếng cười. Bà Tư buông tiếng thở dài, bà tiếc nuối cái thời gian mẹ con đầm ấm đã qua. . .
Tiếng chuông gọi cửa làm bà Tư giật mình. Bà đi vội ra mở cửa, con dâu ào vào, thằng Hai theo sau. Con dâu lên tiếng:
Cô Út có nhà không hả Mẹ?
Bà vừa đóng cửa lại vừa trả lời: Nó ở trên lầu đó. Cơm nước gì chưa mà bây qua đây?
Con dâu không trả lời, đi vội vào trong nhà. Con Út nghe ồn ào dưới nhà liền chạy xuống. Chị dâu liền hỏi:
Cô Út làm gì mà tui gọi cháy máy không chịu nghe?
Em ở trong phòng xếp mấy bộ đồ để mai đi!
Cô đi rồi mẹ sao?
Con Út hơi khó chịu: Thì em có gọi cho anh Hai nhờ đón Mẹ về bên anh chị vài hôm rồi mà.
Con dâu vội nói: Không được. Mai cuối tuần vợ chông tui cũng có việc đi tỉnh phát quà từ thiện hai ngày mới về. Cô Út xem tính sao thì tính
Con Út lớn tiếng: Anh Chị làm gì mà khó khăn vậy. Đi phát quà từ thiện thôi mà có cần phải gấp như vậy không. Chị lúc nào việc nhỏ cũng làm lên cho nghiêm trọng. Chờ em về rồi hãy đi !
Con dâu cũng không vừa: Vậy sao cô không ở nhà đi để hôm nào đến phiên Mẹ qua tui rồi cô đi du lịch.
Bà Tư sợ mấy đứa con nhìn thấy nên quay mặt đi nơi khác để lau vội giọt nước mắt đang trào ra vì kìm lại không được. Chờ cho cục đắng nghẹn ở cổ trôi xuống. Bà Tư vui vẻ cười ha hả nói:
Chuyện nhỏ mà sao tụi bây ầm ĩ thế. Được rồi để đó Mẹ lo!
Thằng Hai chen ngang: Mẹ lo cách nào?
Bà Tư chậm rãi nói: Lâu quá Mẹ không về quê, sẵn dịp vợ chồng con Út đi du lịch mươi hôm, vợ chồng thằng Hai cũng bận. Luôn tiện này Mẹ cũng muốn về Quê ở chơi với dì Năm bây vài hôm.
Bà Tư nói xong, mấy đứa con đều nhất trí cao cách giải quyết của bà. Con Út lên tiếng: Vậy thì mai anh Hai cho tài xế qua chở Mẹ ra bến xe.
Bà Tư lại vui vẻ cười to để cho mấy đứa con yên tâm: Cứ để đó Mẹ lo. Mai ta nhờ chú Ba xe ôm đầu ngỏ chở ta ra bến xe được rồi.
Đêm hôm đó bà Tư suy nghĩ nhiều lắm. Tháng này ở nhà con Út thì tháng sau ở nhà thằng Hai. Bà Tư cảm thấy mình làm vướng bận cho con cái, vì mình mà hai anh em cãi nhau về chuyện ăn ở của bà. Làm Mẹ, bà không đành lòng nhìn cảnh như vậy!
Tuần sau…
Alo cô Út hả? Cô về chưa?
Còn 2 hôm nữa em mới về. Có gì không anh Hai?
Hôm nay anh nóng ruột quá nên gọi cho dì Năm hỏi thăm Mẹ ,thì dì Năm nói là không có thấy Mẹ về nhà dì Năm.
Thế là cô Út và anh Hai cãi nhau ầm ĩ. Người này đỗ lỗi cho người kia. Cô Út đành phải bỏ cuộc du lịch bay về cùng anh Hai đi tìm Mẹ trong vô vọng.
Năm năm sau!
Tại một ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô cách xa thành phố, có một ngôi mộ lẻ loi ở sau chùa. Trên tấm bia có ghi:
Phần mộ bà Nguyễn Thị Tư
Pháp danh. . .
Mất ngày. . . Tháng. . . Năm
Không rõ nhân thân
Mọi người trong làng kể lại. Cách đây năm năm, có một bà cụ từ đâu đến xin ở trong ngôi chùa nhỏ này. Từ đó ngôi chùa trở nên sạch sẽ nhờ bàn tay chăm chỉ của bà cụ. Sớm tối bà cụ tụng kinh gõ mõ.
Bà cụ hiền lành phúc hậu nên được dân làng yêu quý, họ đem đến cho cụ mớ rau, khoai củ và những cây nhà lá vườn. Cứ thế, bà cụ sống nhờ vào lòng yêu thương của dân làng. Mọi người ở đây ai cũng nhìn thấy được cụ bà có một nỗi niềm gì đó mà không tỏ cùng ai. Vì nét mặt cụ luôn toát lên một nỗi buồn cho đến tận lúc bà mãi mãi ra đi.
Nên phận làm con hãy nhớ những điều sau:
1. Khi mẹ cha già chân tay gầy yếu, cơm vãi canh rơi, áo quần nhem nhuốc, xin đừng phiền trách họ. Hãy nhớ khi bạn còn bé, họ đã từng săn sóc bạn từng ly từng lí, không hề trách móc điều gì.
2. Khi cha mẹ già đi lại bất tiện, đừng phiền não. Hãy nhớ rằng khi bạn vừa tập tành biết đi, mẹ đã từng bước dắt tay, cha làm tay vịn cho con cả đời.
3. Khi cha mẹ già đầu óc không còn minh mẫn, không nhớ vị trí đồ đạc. Hãy nhớ khi xưa bạn cũng đã từng quấy rối mẹ cả ngày bằng những câu: "Áo đâu rồi, quần con đâu?".
4. Khi cha mẹ vẫn xem bạn là em bé, nhắc nhở từng chút một. Đừng tỏ ra khó chịu, con dù lớn như thế nào thì cha mẹ vẫn luôn thương yêu bạn như khi còn nhỏ vậy.
5. Cha mẹ già đến lúc cũng phải đi. Vì vậy, hãy dành thời gian cho cha mẹ nhiều hơn, đôi lúc các dịp lễ Tết họ chẳng mong gì nhiều ngoài sự hiện diện của các núm ruột của mình cả.