Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng đều qua các tuần gần đây với mức tăng 2 - 3 USD và tuần vừa qua tăng tới 5 USD/tấn ở nhóm gạo trắng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 5% tấm ở mức 423 USD/tấn, gạo 25% tấm là 403 USD/tấn. So với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan giá gạo của Việt Nam đang thấp hơn trung bình từ 25 - 30 USD nhưng cao hơn giá gạo của Pakistan khoảng 55 USD.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo của nước này đang đứng ở mức rất cao trong tháng 5. Cụ thể như gạo 5% tấm khoảng 467 USD/tấn, tức cao hơn gạo Việt Nam khoảng 45 USD/tấn. Các loại gạo cao cấp như Hom Mali đã vượt ngưỡng 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine ở mức 818 USD/tấn. So với giá gạo Jasmine của Việt Nam xuất khẩu chỉ khoảng 533 - 537 USD/tấn, thấp hơn gạo Jasmine của Thái Lan hơn 280 USD/tấn.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL, hiện nay thị trường đang sôi động hơn rất nhiều. Các nhà nhập khẩu bắt đầu mua vào sau một thời gian dài chờ giá. Nguyên nhân là do giá lương thực thế giới vẫn giữ xu hướng tăng và chưa có dấu hiệu giảm. Mặt khác, đang vào mùa mưa bão diễn biến phức tạp dự báo sẽ ảnh hưởng không tốt đến năng suất sản lượng ở các nước sản xuất lúa gạo. Cũng vì thời tiết phức tạp ở nhiều nơi nên các nhà nhập khẩu đang tranh thủ mua vào đề phòng giá tiếp tục tăng. Một thương nhân ở thành phố Cần Thơ cho biết: Hiện tại, các thương nhân Trung Quốc, những nhà nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán để ký hợp đồng. Giá gạo Việt Nam đang có sức cạnh tranh cao và sự phục hồi của thị trường Tring Quốc sẽ làm thị trường gạo thêm sôi động trong tháng 6.
Theo các chuyên gia, gạo Thái tăng giá nhờ các doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất khẩu sang Iraq. Từ đầu năm đến nay lượng xuất hơn 200.000 tấn và dự báo, Iraq sẽ mua ít nhất 400.000 tấn vào năm 2022. Iraq là thị trường truyền thống của Thái Lan nhưng đã bị gián đoạn trong vài năm gần đây, mới quay trở lại trong năm nay.
Báo Bangkok Post dẫn lời lãnh đạo Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết: Dự kiến giá gạo Thái Lan sẽ tăng thêm 5%, tương đương 20 USD/tấn, trong quý 2/2022. Trong tuần trước giá gạo 5% tấm của Thái Lan đang ở mức 461 USD/tấn. Còn các loại gạo đặc sản cao cấp như Hom Mali 970 USD/tấn, tăng 30 USD so với đầu tháng 5 và tăng đến 112 USD so với cuối tháng 4. Còn gạo thơm Jasmine ở mức 807 USD/tấn, cũng đạt mức tăng khoảng 100 USD so với tháng trước. Tuy nhiên, giá gạo tăng cao có thể làm giảm tính cạnh tranh và mất cơ hội xuất khẩu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, dự báo năm nay Thái Lan có thể xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo so với dự báo 7 triệu tấn hồi đầu năm nay.
Đối với thị trường Việt Nam, số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho biết trong 4 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt trên 2 triệu tấn, tương đương giá trị 1 tỷ USD, tăng gần 5% về lượng nhưng giảm gần 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sụt giảm mạnh. Trong 4 tháng qua chỉ mới đạt 297.000 tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo giải thích, sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc được cho là do ảnh hưởng của chính sách kiểm soát dịch Covid-19 của nước này. Trung Quốc là khách hàng truyền thống và là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam nhiều năm qua. Các thương nhân nước này ngoài mua phục vụ nhu cầu trong nước họ còn là các nhà bán buôn nên chưa dám ký hợp đồng mới vì giá gạo đang ở mức cao.
Ngoài thị trường Trung Quốc, các khách hàng truyền thống của Việt Nam đã tăng nhập khẩu gạo trong những tháng qua. Cụ thể như Philippines nhập 916.000 tấn, tăng 28,3%; Bờ Biển Ngà với 213.000 tấn, tăng 65%...