Nhiều mã cổ phiếu trục cột giảm sàn như: Ngân hàng BIDV, Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Nhà Khang Điền, Thế Giới Di Động, Petrolimex, Chứng khoán SSI, Sacombank, Techcombank, Vinhomes, Vincom Retail.
Chốt phiên sáng 24/10, chỉ số VN-Index giảm 23,37 điểm, xuống 996,45 điểm. HNX-Index giảm gần 2,2% xuống 212,69 điểm. Thanh khoản ở mức thấp với gần 4.800 tỷ đồng trên HoSE.
Hai cổ phiếu Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục giảm mạnh, khiến vốn hóa của hai doanh nghiệp này rời khỏi câu lạc bộ vốn hóa 10 tỷ USD.
Thị trường mở cửa với đa số cổ phiếu trụ cột giảm giá. Áp lực bán ra sau đó mạnh hơn, trong khi cầu bắt đáy yếu ớt. Thanh khoản kém khiến thị trường rơi sâu hơn và có vài thời điểm trong phiên (khoảng hơn 10h và hơn 10h30'), chỉ số VN-Index lần thứ hai trong tháng mất mốc 1.000 điểm.
Nhóm cổ phiếu bất động sản giảm sâu. Cổ phiếu VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có lúc giảm hơn 3.000 đồng xuống 53.600 đồng/cp. Vinhomes (VHM) giảm hơn 2.000 đồng xuống dưới 46.000 đồng/cp.
Tính từ cuối 2021, cổ phiếu Vingroup của chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã giảm khoảng 50%, từ mức gần 110.000 đồng/cp xuống dưới 54.000 đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa của Vingroup bốc hơi nhanh chóng và xuống ngưỡng khoảng 9 tỷ USD hiện nay. Cổ phiếu Vinhomes cũng giảm ở mức gần tương tự và vốn hóa cũng xuống quanh 9 tỷ USD.
Số lượng doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD trên thị trường giảm từ 64 mã hồi đầu tháng 4 xuống hiện còn 44 mã.
Các mã như Novaland (NVL) hay Phát Đạt (PDR),... đều giảm mạnh.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa, nhưng nhìn chung số lượng giảm nhiều hơn tăng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm cho dù tăng trưởng kinh tế tốt, lạm phát chưa cao, nhưng trong bối cảnh dòng tiền khá yếu khi ngân hàng hết room tín dụng cho vay, thị trường trái phiếu bị siết chặt lại.
Lãi suất ngân hàng tăng lên ngưỡng 8-9%, trong khi Ngân hàng Nhà nước tuần qua hút ròng 120.000 tỷ đồng trên thị trường mở để hỗ trợ kiểm soát tỷ giá USD/VND. Đồng USD trong hơn tuần qua tăng rất mạnh, từ quanh ngưỡng 24.000 đồng/USD hồi đầu tháng lên gần 24.890 đồng/USD hiện tại (Vietcombank).
Giới đầu tư cũng lo ngại nhiều doanh nghiệp thiếu vốn có thể phải vay ký quỹ cổ phiếu tại các công ty chứng khoán.
Trong phiên cuối tuần trước (21/10), thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh, hơn 38 điểm (-3,65%). Nhiều nhà đầu tư chủ động bán cổ phiếu sau vài đợt bắt đáy không thành gần đây.
Vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm khoảng 88 tỷ USD kể từ đầu tháng 4.
Nhiều công ty chứng khoán nhận định, xu hướng chung trên thị trường vẫn khá tiêu cực.
Thị trường đang test lại vùng hỗ trợ 1.000 điểm.
Mặc dù VN-Index chưa mất đáy ngắn hạn ở ngưỡng 1.000 điểm nhưng rất nhiều cổ phiếu đã thủng đáy ngắn hạn. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư hy vọng thị trường có thể hình thành đáy thứ 2 của mô hình đáy W sau cú bào mòn hết đợt hồi phục từ đáy 1.000 điểm vừa qua.
Doanh nghiệp trong nhiều ngành trong quý III vẫn báo cáo kết quả kinh doanh tích cực, như nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường hiện phụ thuộc nhiều hơn vào dòng tiền.