Tuy nhiên, giá phòng đã giảm 5% theo năm do các khách sạn 5 sao phải giảm giá phòng để phục vụ khách trong nước và khách sạn 3 sao cắt giảm dịch vụ ăn uống do thiếu lao động.
Bên cạnh đó, thị trường khách sạn TP.HCM ghi nhận công suất thuê đạt 20%, giảm 36 điểm phần trăm theo quý nhưng ổn định theo năm do sự sụt giảm nhu cầu lưu trú từ các doanh nghiệp khi chỉ thị “ba tại chỗ” và “một cung đường hai điểm đến” hết hiệu lực. Riêng phân khúc 4 sao đạt công suất cao nhất với 28% nhờ giá phòng phải chăng và dịch vụ chất lượng, thu hút được khách công tác và chuyên gia quốc tế.
Savills cũng cho biết phân khúc khách sạn cách ly có tình hình hoạt động tốt khi Việt Nam khôi phục lại đường bay quốc tế đón khách hồi hương và chuyên gia quốc tế. Công suất trung bình đạt 44%, tăng 6 điểm phần trăm theo quý, còn giá phòng tăng 18% theo quý lên 1,6 triệu đồng/phòng/đêm.
Về nguồn cung mới, sau giãn cách, thị trường khách sạn cho thấy dấu hiệu phục hồi từ tháng 10. Tại quý IV vừa qua, nguồn cung là 14.470 phòng đến từ 104 dự án, tăng 39% theo quý nhưng giảm 5% theo năm, sau khi 1.000 phòng từ 37 khách sạn mở cửa trở lại.
Nhóm khách sạn 5 sao chiếm lĩnh nguồn cung với 47% thị phần, theo sau là 4 sao với 27% và 3 sao là 26%. Có 14 dự án tạm ngưng hoạt động, trong đó có 13 dự án đến từ hạng 3 sao do nhu cầu giảm đáng kể.
Nguồn cung khách sạn cách ly tăng 55% theo quý, lên 2.760 phòng từ 23 khách sạn do các đường bay quốc tế khôi phục vào tháng 10. Ngay khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát vào cuối quý III, các công trình xây dựng mới được tái khởi động. Đến năm 2025, mười sáu dự án mới cung cấp 3.300 phòng được kỳ vọng gia nhập thị trường.
Trong đó, phân khúc 5 sao có chín dự án và một số được vận hành bởi các thương hiệu vận hành quốc tế như Mandarin Oriental, Hilton, và The Ritz-Carlton. Khu vực trung tâm là điểm đến chính để phát triển khách sạn, chiếm 67% nguồn cung tương lai.
Chuyên gia Savills đánh giá độ phủ sóng vaccine rộng rãi thúc đẩy nhu cầu du lịch quay trở lại. Theo báo cáo Travel in 2021 của Visa, những du khách thuộc thế hệ Millennial và Gen Z sẽ dẫn dắt đà phục hồi du lịch vì sẵn sàng du lịch ngay khi dịch bệnh được kiểm soát hơn so với các thế hệ trước. Những người trẻ có xu hướng thanh toán trực tuyến khi đi du lịch, cho thấy nhu cầu phát triển nền tảng công nghệ để kết nối với đối tượng khách này. Bên cạnh đó, du lịch bền vững dần trở thành xu thế mới khi ngày càng nhiều người ưa thích các hoạt động ngoài trời và trải nghiệm địa phương đích thực.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, thành phố đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngay cả trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu, TP có thể vẫn chào đón khách du lịch quốc tế thông qua chương trình “hộ chiếu vaccine”.
Về triển vọng du lịch quốc tế, Tổng cục Hàng Không đã khai thác trở lại các đường bay quốc tế thường xuyên; khách nhập cảnh vẫn phải thực hiện cách ly (trong 3 ngày) và tuân thủ các quy định chống dịch nghiêm ngặt. Khoảng 56% tổng lượng khách nước ngoài của Việt Nam vào năm 2019 là người Trung Quốc và Hàn Quốc. Hai quốc gia này hiện có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong số các thị trường du lịch chính của Việt Nam, điều này cho phép du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau khi hai nước mở cửa du lịch trở lại.