‘Dấu ấn’ Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại miền Trung – Tây Nguyên

Lê Duy Lương

Trước đây, khái niệm sở hữu trí tuệ lạ lẫm với nhiều người. Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại miền Trung – Tây Nguyên (Văn phòng) không những hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, sản phẩm địa phương xác lập quyền mà còn thúc đẩy doanh nghiệp, cơ quan thực thi bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ.

Sắp đến ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Văn phòng ngày thường làm việc tất bật lại thêm tất bật. Trong guồng quay công việc bình thường ấy là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cán bộ làm việc trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Nơi đồng hành, thúc đẩy xác lập quyền, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ

ThS. Đỗ Thị Diện, giảng viên môn Pháp Luật Sở hữu trí tuệ, Khoa Luật Dân Sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đang triển khai công tác chuẩn bị cho tọa đàm “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo”. Ths Diện thường xuyên liên lạc với Văn phòng  để nhận tư vấn chuyên môn kịp thời.

879da35f8b03545d0d12

 “Tập thể cán bộ Văn phòng làm việc với một tinh thần “đoàn kết là sức mạnh”, nhận thức được hưởng bổng lộc từ đóng góp của nhân dân chúng tôi hết mình phụng sự cho hoạt động sở hữu trí tuệ tại khu vực này”, bà Nguyễn Thị Thúy - phụ trách Văn phòng - nói.

Không chỉ trong sự kiện nhân ngày sở hữu trí tuệ năm nay, nhiều năm qua, Trường Đại học Luật Huế hợp tác thường xuyên với Văn phòng, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, đào tạo với tần suất và số lượng năm sau tăng hơn năm trước.

Theo ThS. Đỗ Thị Diện: “Những hợp tác, kết nối với Văn phòng có ý nghĩa lớn và mang lại lợi ích thiết thực cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi với chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.”

Qua hoạt động hợp tác, kết nối tạo điều kiện và cơ hội để các em sinh viên tiếp cận với các kiến thức thực tiễn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thông qua trao đổi, tư vấn, hội thảo và tọa đàm. Có những sinh viên chọn Văn phòng làm nơi thực tập để thực hành, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm.

Không riêng gì các trường đại học trong khu vực mà khối doanh nghiệp nhận được nhiều hỗ trợ từ Văn phòng. Khi giờ đây, thương hiệu chính là “tài sản vô hình” lớn nhất của doanh nghiệp, việc giúp doanh nghiệp nhận thức bảo vệ tài sản bền vững chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Văn phòng.

4081f736df6a0034597b

 Văn phòng là đơn vị đồng tổ chức Cuộc thi: “Sinh viên sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ” sự hợp tác mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho sinh viên trong khu vực miền Trung và Tây nguyên.

Công ty TNHH Zutton Group là đơn vị chuyên kinh doanh sơn nước là khách hàng thường xuyên đến nộp đơn tại Văn phòng. Từ năm 2019 – 2022, ông Thành đăng ký 5 nhãn hiệu và đang đợi kết quả từ phía Cục Sở hữu trí tuệ.

“Trước đây tôi hiểu khá mơ hồ về sở hữu trí tuệ, nhưng được cán bộ Văn phòng hướng dẫn, giải đáp, tư vấn nhiệt tình, tận tâm nên an tâm kinh doanh khi mình dần am hiểu sâu hơn về pháp luật lĩnh vực này”, ông Võ Trung Thành - CEO công ty hào hứng - chia sẻ.

Với doanh nhân trẻ Võ Trung Thành, công ty muốn định vị mình phải “tạo nên sự khác biệt”. Nhưng trên thị trường Zutton bỗng phát hiện ra nhiều sản phẩm của Zutton Group bị làm nhái, những tên na ná. “Ví dụ, sản phẩm của chúng tôi là DenKo được bảo hộ độc quyền, họ lại ăn theo dán nhãn Denko Pro, hay Zutton bị làm nhái nhãn hiệu thành Zuttong gây ảnh hưởng thương hiệu và hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, ông Thành cho hay.

06f8f937d16b0e35577a

Tính riêng năm 2022, Sở thực hiện hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản cho 13 doanh nghiệp (trong đó đăng ký bảo hộ 18 nhãn hiệu, 1 kiểu dáng công nghiệp); 07 Chủ đơn, tác giả sáng chế - Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng.

Từ chỗ không biết phải xử lý thế nào nhưng có sự hỗ trợ và đồng hành tư vấn kịp thời, đúng đắn của Văn phòng với doanh nghiệp, ông Thành sớm soạn đơn thư phản đối với đối thủ kinh doanh thiếu lành mạnh. Theo ông Thành, việc phân loại nhóm, định hướng tên đăng ký bảo hộ, bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu trên thị trường từ đầu khiến doanh nghiệp yên tâm hơn về tương lai.

Các Sở Khoa học và Công nghệ tại miền Trung với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ. Hàng năm, Sở thường xuyên phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Văn phòng tổ chức các lớp đào tạo tập huấn từ cơ bản đến chuyên sâu theo từng chuyên đề. Hoạt động góp phần giúp doanh nghiệp, cá nhân/tập thể hiểu rõ hơn về quy trình đăng ký, những giấy tờ cần thiết, thời gian, chi phí, cách thức, kinh nghiệm lập hồ sơ, trình bày đơn đăng ký và bản mô tả.

Trong các hội nghị tập huấn, đào tạo, chuyên gia của Văn phòng và cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn hết sức cụ thể theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Hướng dẫn tỉ mỉ từng loại hình đăng ký như đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý.

Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng hỗ trợ thành công cho 35 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể xác lập quyền đối với sản phẩm đặc trưng địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển thương hiệu cộng đồng. 

Nỗ lực đưa “vùng trũng” sở hữu trí tuệ đi lên

Miền Trung – Tây Nguyên được xem là “vùng trũng” trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Nơi mà, chỉ mới một số ít doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu còn lại rất nhiều người dân, doanh nghiệp, cá nhân còn bỡ ngỡ khi nghe đến sở hữu trí tuệ. Ngay tại các Trường Đại học, Cao đẳng những khoa đặc thù như quản trị doanh nghiệp, kinh tế… sở hữu trí tuệ vẫn đang là môn học tự chọn. Nhiều doanh nghiệp phải khi xảy ra tranh chấp, tranh giành mới tìm hiểu đến lĩnh vực này.

Trong bối cảnh chung đó, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại miền Trung – Tây Nguyên với chức năng thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và sáng kiến tại 14 tỉnh thành miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên. 18 năm với nhiều dấu ấn qua 4 đời lãnh đạo. Hình ảnh đội ngũ cán bộ của Văn phòng nhiều kinh nghiệm chuyên môn, xông xáo đang dần trở nên quen thuộc với nhiều cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý.

b8c1e27bca2715794c36

 18 năm đặt dấu ấn, Văn phòng phụ trách vùng có vị trí địa lý phức tạp, đi lại vất vả song vẫn tỏa đi khắp các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.

Bà Trần Thị Ngọc Tuyên - chuyên viên của Văn phòng - đã có số năm công tác bằng số tuổi của Văn phòng, 18 năm qua với vị trí là chuyên viên nhận đơn và tư vấn. “Mỗi lần tư vấn khách hàng tôi luôn hướng dẫn, tư vấn thật kỹ cho khách hàng sớm hoàn thiện hồ sơ để nộp đơn đăng ký và các vấn đề khác có liên quan khi khách hàng có nhu cầu”, bà Tuyên nói

Ông Nguyễn Minh Đức - chuyên viên của Văn phòng cho biết ông vốn là cán bộ Sở KH&CN tỉnh Quảng Trị phụ trách mảng này. Sau khi Văn phòng được thành lập, ông về gắn bó cho tới nay. “Không phải mới vào làm là tốt ngay mà để tốt phải rèn luyện. Chúng tôi may mắn thừa kế kinh nghiệm của các anh chị đi trước, các đồng nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực để làm việc ngày một tốt hơn”, ông Đức khẳng định.

Để có Văn phòng hôm nay là “quả ngọt” từ sức mạnh tập thể. Từ những cán bộ về hưu, những người đi ngang qua một thời gian, những đồng nghiệp gắn bó, nỗ lực cho công việc. “Đi qua nhiều thời kỳ lãnh đạo, mỗi giai đoạn đóng góp cùng những dấu chân để lại ở đây và có những điểm mạnh để đóng góp cho Văn phòng đi lên”, ông Đức vui vẻ nói.

Văn phòng với điểm mạnh có thể giải quyết được nhu cầu cơ bản làm thỏa mãn hầu hết mong muốn của các tổ chức, cá nhân về sở hữu trí tuệ tại khu vực. Văn phòng vừa hỗ trợ cho các cơ quan thực thi, cơ quan quản lý về công tác hoạch định chiến lược địa phương lại vừa là nơi hỗ trợ chuyên môn, hỗ trợ pháp lý để các sản phẩm địa phương làm giàu giá trị.

Những năm gần đây với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm đặc trưng, Văn phòng đóng góp hỗ trợ cho nhiều xã, huyện phát triển tài sản trí tuệ như: Tỏi Lý Sơn, Sâm Ngọc Linh, Quế Trà My, Quế Trà Bồng, Nón lá Huế, Bún bò Huế…

1b8657b3cead0cf355bc-1420

 Bà Nguyễn Thị Thúy - phụ trách Văn phòng - trong hội thảo khoa học quốc gia về xác lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ mang tên địa danh.

Đến bao giờ SHTT miền Trung có thể ngang tầm với hai đầu đất nước thì chưa biết, nhưng chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực - ông Nguyễn Minh Đức, chuyên viên của Văn phòng.

Chỉ năm 2022, dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Văn phòng tiếp nhận 1745 đơn sở hữu công nghiệp, trong đó 870 đơn đăng ký xác lập quyền, 195 đơn khác và hơn 680 công văn, thủ tục khác. Tư vấn, hướng dẫn thủ tục cho gần 3000 lượt người qua hình thức trực tiếp, email, điện thoại (cao hơn năm 2021 là 37%).

Không phải trước đây, bây giờ miền Trung vẫn đang là “vùng trũng” sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, với chiến lược phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, nhiều động lực từ chính sách đang giúp địa phương có cơ chế hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

“Thời gian tới, ngoài việc duy trì các hoạt động như hiện tại Văn phòng sẽ nghiên cứu hướng tới hỗ trợ các nhà nghiên cứu tại các trường đại học, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp… có thể thương mại hóa được các giải pháp kỹ thuật đã được bảo hộ sáng chế. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về sở hữu trí tuệ tại các trường cấp 3 và hướng đến là cấp 2 và cấp 1 như Nhật Bản đã từng làm”, bà Nguyễn Thị Thúy – Phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại miền Trung – Tây Nguyên - nhấn mạnh.