Giá USD tự do vượt 25.000 đồng

Ngày 20/10, tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước dừng ở mức 23.682 đồng/USD. Trong khi đó, giao dịch USD trên thị trường "chợ đen" đạt đỉnh lịch sử, chiều bán ra đã lên tới 25.100 đồng.

Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của tỷ giá trung tâm tuần này, tương ứng có thêm 141 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ dao động 5% hiện nay tỷ giá trần các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là 22.497,9 đồng còn tỷ giá sàn là 24.866,1 đồng.

Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD, giá bán đồng bạc xanh tại các ngân hàng và bên ngoài thị trường liên tục ghi nhận các mốc cao mới.

Sáng 20/10, Vietcombank niêm yết giá USD 24.320-24.630 đồng (mua - bán), giữ nguyên so với hôm qua nhưng so với đầu tuần đã tăng 1,6%. Giá USD tại BIDV lên 24.320-24.650 đồng, tăng 30 đồng ở chiều mua nhưng lại giảm 20 đồng ở chiều bán so với hôm qua.

Trên thị trường "chợ đen", giá USD cũng lần đầu tiên vượt 25.000 đồng. Các điểm thu đổi ngoại tệ tiếp tục nâng giá mua bán đồng bạc xanh thêm hơn 300 đồng mỗi chiều so với hôm qua lên 24.900-25.100 đồng (mua - bán). 25.100 đồng/USD chiều bán ra cũng là mức giao dịch cao nhất thị trường tự do từng ghi nhận.

Giá USD tự do lần đầu vượt 25.000 đồng  - 1

USD tự do và ngân hàng đều lập đỉnh (Ảnh: Tiến Tuấn).

Chỉ số USD Index sáng 20/10 tăng 0,76% lên 112,8 điểm và vẫn duy trì ở vùng giá cao nhất 20 năm.

Theo các chuyên gia tỷ giá "nóng" lên sẽ tạo áp lực cho các doanhg nghiệp xuất nhập khẩu thời gian tới. USD đắt đỏ sẽ tạo áp lực chi phí với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa.

Chưa kể, có doanh nghiệp vay ngoại tệ ở thời điểm giá đồng USD đang rẻ, nhưng tới kỳ thanh toán trả nợ, USD lại tăng, dẫn tới doanh nghiệp phải chịu thêm khoản bù chênh lệch tỷ giá.

Đánh giá về việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ biến động tỷ giá và nâng tỷ giá trung tâm, các chuyên gia cho rằng đó là động thái cần thiết vì gần đây tỷ giá giao dịch giữa các ngân hàng trên liên ngân hàng nhiều lúc gần chạm trần và nguồn USD khá căng thẳng.

Nhất là ở thời điểm cuối năm nhu cầu mua USD để thanh toán hàng hóa của doanh nghiệp khá lớn.

Do vậy với việc nâng biên độ biến động lên +/-5% sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng có "không gian" rộng hơn trong việc ấn định giá mua bán USD.

Theo ước tính của ACBS, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ, đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 89 tỷ USD, tương đương 12 tuần nhập khẩu.