Giá xăng vượt 31.000 đồng một lít, cần phải làm gì để kìm giá xăng dầu?

Từ 15 giờ ngày 1/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng, RON 95 tăng 920 đồng và các mặt hàng dầu tăng 310-940 đồng một lít. Giá xăng dầu tiếp tục leo thang phi mã, dự kiến còn tăng cao do tình hình bất ổn của thế giới.

Sau điều chỉnh từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95 từ 15h ngày 1/6 đã vượt 31.000 đồng một lít, ở mức 31.570 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng tăng thêm 600 đồng, lên mức 30.230 đồng một lít.

Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 25.340 đồng một lít, tăng 940 đồng. Dầu diesel lên 26.390 đồng một lít, tăng 840 đồng. Dầu mazut là 20.900 đồng một kg, tăng 310 đồng. Đây lần tăng giá thứ 5 kể từ 21/4 đến nay. Tổng cộng giá xăng RON 95 đắt thêm 4.260 đồng một lít, E5 RON 92 cũng tăng thêm 3.760 đồng một lít.

Ở kỳ này, cơ quan điều hành cũng chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu ở mức 500 đồng mỗi lít với xăng RON 95, 100 đồng với E5 RON 92. Riêng các mặt hàng dầu sẽ ngừng chi từ Quỹ bình ổn.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục ngừng trích Quỹ bình ổn xăng dầu, tăng mức trích quỹ trở lại với mặt hàng dầu diesel lên 100 đồng, dầu mazut lên 300 đồng một kg; và giảm mức trích với dầu hoả từ 300 đồng về còn 100 đồng một lít.

Trong năm nay giá xăng dầu liên tục tăng và có mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7/2014. Giá xăng liên tục tăng trong 5 kỳ điều hành gần đây.  Như vậy giá xăng liên tục thiết lập mức kỷ lục và đang có mức cao nhất trong lịch sử.

11xang283686988-36720468206140-5899-2454-1654071281-1654072878.jpg

 Trường hợp giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng và biến động theo chiều hướng tiêu cực, cần phải tính đến giải pháp thuế tiêu thụ đặc biệt

Giá xăng dầu tăng đã chạm ngưỡng chịu đựng. Cứ thế này, liệu những nỗ lực kìm giá của chúng ta có thể đạt được trước đà tăng phi mã của xăng dầu?

Từ đề xuất của Chính phủ về giảm 50% thuế bảo vệ môi trường và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, phần nào giúp kìm hãm đà tăng. 

Nhưng trước nguy cơ đe dọa mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, giá xăng dầu còn tăng trong khi sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế có hạn, Chính phủ cần chủ động hơn để xem xét, đề xuất giảm thêm một số loại thuế, phí khác. 

Nhà nước có thể phải chấp nhận giảm nguồn thu, điều tiết nguồn thu nhà nước sang nền kinh tế, nhưng đổi lại sẽ giúp cho người dân và doanh nghiệp có thêm nguồn để chống chọi với khó khăn mới.

Ủy ban Kinh tế trong báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội đã có gợi ý Chính phủ xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn. 

Trước đó nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia đã đề xuất phương án này, xem đây là một công cụ cần thiết phải tính tới, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và cử tri.

Vì vậy, nếu trường hợp giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng và biến động theo chiều hướng tiêu cực, cần phải tính đến giải pháp thuế tiêu thụ đặc biệt. Giảm thế nào, cần tính toán cân đối nhưng phải chủ động, nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng từ Chính phủ. 

Từ thực tiễn giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Quốc hội đã chủ động trong lắng nghe ý kiến nhân dân, lấy ý kiến và thông qua chính sách này từ rất sớm nên sẽ là tiền đề để thực hiện các chính sách tiếp theo về xăng dầu.

Nhìn ra thế giới, các nước cũng quyết liệt đối phó với giá xăng dầu tăng cao. Như Thái Lan duy trì mức trần, hay quyết định bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, rút ngân sách để hỗ trợ giá. Philippines phê duyệt gói trợ cấp cho nhiên liệu giao thông công cộng và nông nghiệp. Việt Nam cũng cần có chính sách trợ giá xăng dầu với một số đối tượng, trong thời điểm nhất định.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, trong trả lời chất vấn mới đây, cũng nói nếu không kìm được giá xăng dầu sẽ tính tới các quỹ an sinh để hỗ trợ đối tượng nghèo, hỗ trợ thuế doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu. 

Đã đến lúc những vấn đề này cần được tính đến để xây dựng một phương án chủ động nhằm ứng phó với giá xăng dầu, tránh để khi giá tăng rồi mới bàn, lúc đó người dân và doanh nghiệp đã "điêu đứng" vì mặt bằng giá đã tăng theo giá xăng dầu.