Hệ thống điện quốc gia thiếu hụt hơn 3.000 MW nhiệt điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, tổng hợp được cập nhật đến ngày 30-3, tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký. Cả nước thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện

Quý 1-2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký (tương ứng 76,76%). Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3-2022, EVN cho biết nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát.

Đơn cử như nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 - 70% công suất. Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho 1 trong 4 tổ máy.

27492674634223723146645055081196537370822493n-16486240944441203818578-1648628183.jpg
EVN cho biết từ tháng 4 trở đi có nguy cơ thiếu than sản xuất dẫn tới thiếu điện 

Do đó toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện. Để khắc phục những khó khăn do tình trạng thiếu than cho sản xuất điện, vừa qua các đơn vị vận hành nguồn và lưới điện của EVN đã có nhiều biện pháp đồng bộ để duy trì vận hành an toàn, ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

"Thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cho biết, tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu" - EVN đánh giá.

Trong khi đó, thời gian tới, đặc biệt vào thời điểm nắng nóng cao điểm của mùa khô năm 2022, công tác sản xuất điện từ nhiên liệu than đóng vai trò hết sức quan trọng cho đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là các tháng 4, 5, 6, 7 tại khu vực miền Bắc.

Vì vậy EVN kêu gọi người dân và khách hàng sử dụng điện thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện.

Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có báo cáo gửi Bộ Công thương về tình hình sản xuất kinh doanh than và cung ứng than cho điện.

Theo kế hoạch, sản lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện năm 2022 là 35 triệu tấn. Tuy nhiên, tập đoàn này cho rằng việc cung cấp phụ thuộc nhiều nhập khẩu. 3 tháng đầu năm, TKV mới nhập được 325.000 tấn, nên sản lượng cấp được trong quý 1-2022 chỉ đạt khoảng 1,1 triệu tấn, giảm 2,4 triệu tấn so với kế hoạch.

TKV cho rằng có thể nhập khẩu không đạt kế hoạch năm 2022 nên đã chỉ đạo các đơn vị tăng sản lượng than khai thác tối đa có thể, khoảng 4,1 triệu tấn. Gắn với tăng chế biến than, pha trộn đảm bảo cung cấp tối đa cho các nhà máy nhiệt điện theo kế hoạch, không để thiếu than.

Với việc tăng các chi phí đầu vào như nguyên liệu, sắt thép, tiền lương..., TKV đề nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng giá bán than trong nước, nhất là giá bán than cho các hộ điện, để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.