VN-Index ngay sau phiên mở cửa ATO đã lao dốc hơn 33 điểm, sau đó phục hồi nhẹ để rồi lại rơi mạnh về cuối buổi sáng. Chỉ số tạm nghỉ trước giờ chiều giảm 41,97 điểm (-3,27%) về mốc 1.242,11 điểm.
Đà rơi cũng được ghi nhận trên các sàn tại Hà Nội. Trong đó bộ chỉ số HNX-Index mất 11,78 điểm (-3,84%) về 294,66 điểm và UPCoM-Index giảm 2,01 điểm (-2,14%) còn 91,71 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng có tác động tiêu cực nhất lên diễn biến của chỉ số. Trong đó dẫn đầu là VCB của Vietcombank giảm 3,2% về 75.200 đồng; bên cạnh các mã CTG của VietinBank rơi 5,7%, MBB lao dốc 5,5%, BID mất 3,1% giá trị.Cổ phiếu vốn hóa lớn như thường lệ vẫn có tác động lớn nhất lên xu hướng chung. Sáng nay bộ chỉ số VN30 rơi 44,68 điểm (-3,37%) với 28/30 mã giảm giá. Sắc xanh chỉ xuất hiện ở mã POW của PV Power và GAS của PV Gas.
Một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng điều chỉnh mạnh như VHM của Vinhomes giảm 3,5% về 65.900 đồng, MSN của Masan Group mất 3,4% còn 113.000 đồng, thị giá VNM của Vinamilk và HPG của Hóa Phát đều giảm hơn 3%.
Ở các nhóm cổ phiếu khác thậm chí còn tiêu cực hơn khi xuất hiện màu xanh lơ. Nhóm bán lẻ ghi nhận DGW, FRT, PET, KDC, PNJ đều đã chạm mức giá sàn. VRE của Vincom Retail mất gần 6% hay MWG của Thế Giới Di Động rơi 4%.
Nhóm xuất khẩu như thủy sản và dệt may cũng chìm trong tiêu cực, các mã ACL, TCM, IDI, VHC, CMX, FMC, STK đều có lúc giảm kịch sàn. Cổ phiếu thép ghi nhận giảm 4-6%, nhất là HSG của Hoa Sen đã lộ giá sàn. Cổ phiếu phân bón giảm 5-7%, đơn cử DPM giảm 6,7% về sát giá sàn.
Cổ phiếu đầu cơ cũng trong tình trạng bán tháo. Nhóm 3 cổ phiếu họ FLC Group có giao dịch phiên sáng là ART, KLF, AMD đều giảm sát giá sàn. Họ Louis ghi nhận TGG, BII giảm sàn. HỌ Apec có APS rơi 8,2%. Nhóm Tasco có HUT giảm 8,1% và NVT giảm sàn. Hay bộ đôi DIG, CEO có thời điểm giảm hết biên độ.
Top cổ phiếu có tác động nhất phiên sáng 13/6. Nguồn: VNDirect. |
Cổ phiếu phòng thủ là ngành sản xuất điện trở thành điểm sáng nhất cho thị trường. POW tăng giá 2,7% lên 15.400 đồng là mã có đóng góp tốt nhất, bên cạnh GAS tăng nhẹ 0,3% lên 119.100 đồng.
Các cổ phiếu có sản xuất điện vốn hóa tầm trung bứt phá khá tốt để hút dòng tiền. NT2 của Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 tăng tốt nhất 5,3% lên 27.900 đồng, ngoài ra còn có KHP tăng 3,9%, VSH tăng 3%, GEG có thêm 1,6%, PC1 và HDG tăng hơn 1%...
Độ rộng toàn thị trường hoàn toàn nghiêng về bên bán khi sắc đỏ chiếm áp đảo. Toàn sàn có 823 mã giảm giá (trong có đó 44 giảm sàn), ngược lại chỉ có 93 mã tăng giá trong phiên sáng.
Áp lực bán giúp thanh khoản thị trường có sự đi lên với tổng giá trị giao dịch đến trước giờ nghỉ trưa là hơn 13.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài cũng quay ngược bán ròng hơn 100 tỷ đồng trên HoSE.
Chứng khoán Rồng Việt dự kiến thị trường sẽ quay trở lại trạng thái phân hóa và giằng co trong vùng 1.270-1.300 điểm với sự hỗ trợ của một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhà đầu tư nên hạn chế mua cổ phiếu và theo dõi động thái hỗ trợ của thị trường.
Theo KB Vietnam, chỉ số nhiều khả năng tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên tới và mở rộng nhịp điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 1.260 điểm nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy trước khi hồi phục trở lại.
Chứng khoán Yuanta dự báo thị trường có thể sẽ điều chỉnh ở các phiên giao dịch đầu tuần và VN-Index có thể sẽ kiểm định ngưỡng hỗ trợ 1.255 điểm. Rủi ro từ thị trường thế giới gia tăng dần và có thể tác động tiêu cực lên xu hướng ngắn hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định sau một tháng căn mua và chờ chốt lời thì diễn biến thị trường đã xấu trở lại. Đơn vị khuyến nghị ưu tiên căn bán, hạn chế việc mua mới trong tuần này.