Khai thác bản quyền thương mại bộ truyện tranh ‘Dũng sĩ Hesman’

Ngày 15/6 tại TP.HCM, dự án Hesman Legend được công bố nhằm khai thác bản quyền thương mại của bộ truyện tranh nổi tiếng Hesman do tác giả Hùng Lân biên soạn.

Họa sĩ Hùng Lân nổi tiếng với bộ truyện tranh Hesman dài 160 tập. Tại Việt Nam, Hesman là một thương hiệu truyện tranh quen thuộc và gần gũi với nhiều thế hệ bạn đọc từ 7X cho đến 10X. Với thế mạnh là các nhân vật quen thuộc, nội dung hấp dẫn đã để lại những dấu ấn khó phai với bạn đọc. 

Việc khai thác bản quyền từ truyện tranh là một trong những xu hướng phổ biến của các nước trên thế giới. Mới đây nhất, dự án Hesman Legend được quỹ khởi nghiệp sáng tạo Fundgo đầu tư với mục tiêu khai thác tiềm năng thương hiệu bản quyền từ truyện tranh Hesman do tác giả Hùng Lân biên soạn.

Để tạo nên sự đa dạng và ấn tượng, các sản phẩm trong dự án do nhiều studio khác nhau trong nước sản xuất. Cụ thể: teaser phim hoạt hình 30 giây do xưởng phim hoạt hình Dragon phụ trách; phiên bản truyện tranh điện tử Hesman được đăng tải trên nền tảng webtoon của Comicola; 2 mẫu mô hình sưu tầm được xưởng sản xuất mô hình tại Hà Nội; trò chơi trên điện thoại di động có tên “Hesman Legend” đến từ Gamo Studio.

anh 1

 

Với những sản phẩm do nhiều đơn vị phụ trách khác nhau, dự án đã tạo cảm hứng cho các đơn vị thỏa sức sáng tạo tại thị trường Việt Nam. Điều đặc biệt, dự án này đã góp phần thúc đẩy việc khai thác bản quyền từ người Việt. 

Tác giả Hùng Lân sáng tác bộ truyện tranh từ năm 1993 nhưng đến năm 2004 Việt Nam mới gia nhập Công ước Berne. Lúc này, ông chưa đề cập đến vấn đề tác quyền khi Hesman được khai thác thành “Vũ trụ truyện tranh”. Với dự án lần này, tác giả Hùng Lân hoàn toàn ủng hộ dự án Hesman Legend.

Ở 4 tập đầu của Hesman, ông đã ghi rõ là tác phẩm được phóng tác từ phim hoạt hình Voltron - Defender of the Universe của World Events Productions (WEP). Ở mỗi tác phẩm sự sáng tạo luôn được đề cao, tác giả đã xây dựng cốt truyện cùng với hình tượng 80 nhân vật để tạo nên sự khác biệt với độ dài 160 tập. Với bộ truyện tranh này, ông đã đăng ký sở hữu trí tuệ các nhân vật vào năm 2017.

Khi nhà xuất bản Hà Nội đưa bộ truyện tái xuất, tác giả đã trích 50% nhuận bút để trả bản quyền cho WEP vì sử dụng nhân vật trong 4 tập đầu của Hesman. Bởi lẽ, tác giả luôn đề cao việc tôn trọng bản quyền cũng như thúc đẩy văn hóa đọc của người Việt.