Với vùng 1, giá xăng RON95 tăng thêm 410 đồng/lít, lên mức 22.750 đồng/lít.
Giá xăng RON92 tăng thêm 380 đồng/lít, lên mức 21.870 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu tăng mạnh do diễn biến giá dầu thế giới trong thời gian qua tăng liên tục ở mức cao. Dầu diesel 0.05S tăng 290 đồng/lít, lên trên 25.000 đồng/lít.
Dầu hỏa tăng thêm 120 đồng/lít, lên mức 23.780 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 190 đồng/lít, tăng trên 14.000 đồng/kg.
Để có mức giá như trên, cơ quan điều hành quyết định tiếp tục trích lập quỹ bình ổn với xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut là 500 đồng/kg, không trích lập với dầu diesel và dầu hỏa; ngừng chi sử dụng quỹ bình ổn.
Việc giá xăng dầu trong kỳ điều hành này tiếp tục tăng đã được dự báo từ trước đó, khi diễn biến giá thế giới trong 10 ngày qua có xu hướng tăng.
Kể từ ngày 11/10, công thức tính giá cơ sở đã bổ sung thêm phụ phí và chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước).
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng mức chi phí này vẫn chưa được tính đúng, tính đủ vào giá cơ sở, cộng thêm việc siết chặt tín dụng, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn.
Vấn đề này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ ra tại phiên giải trình về vấn đề xăng dầu được các đại biểu quan tâm, khi đề nghị bộ này cần phải có giải pháp để ngăn chặn việc đứt gãy nguồn cung xăng dầu cục bộ diễn ra ở các tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng các chi phí được tính toán trong giá cơ sở đã được bộ cập nhật, bổ sung vào công thức tính giá tại các kỳ điều chỉnh trước đó. Vì vậy, để có cơ sở điều chỉnh các chi phí phát sinh trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, Bộ Công Thương và các doanh nghiệp cần báo cáo thông tin chi tiết.
Tư lệnh ngành tài chính cũng kiến nghị để tháo gỡ những khó khăn và bất cập trong quản lý điều hành xăng dầu thời gian qua, tới đây khi sửa đổi nghị định 95 sẽ đề xuất chuyển hoàn toàn việc quản lý lĩnh vực xăng dầu về Bộ Công Thương để thống nhất một đầu mối quản lý.
Trong khi đó, chiều 1/11, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 11/2022.
Thông tin tại cuộc họp về tình hình cung ứng xăng dầu, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương - cho biết tính đến 12h ngày 1/11, TP.HCM có 108/550 cửa hàng đang thiếu xăng hoặc dầu, có 4 cửa hàng đang xin tạm ngưng hoạt động để sửa chữa.
Theo ông Vũ, mỗi ngày TP tiêu thụ 6.800m3 xăng dầu nhưng hiện nay nguồn cung đang bị thiếu hụt. Trong đó có nguyên nhân Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil bị tước giấy phép kinh doanh. Đây là doanh nghiệp đầu mối lớn với mức dự trữ bình quân 100.000m3/tháng.
Bên cạnh đó, cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay vẫn chưa hài hòa lợi ích giữa các bên trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp bán lẻ hoạt động rất khó khăn, có đơn vị thua lỗ vì chiết khấu thấp. Ông Vũ cũng cho biết giá xăng dầu của TP.HCM thuộc vùng 1, doanh nghiệp nhà nước phân phối xăng dầu trên địa bàn chỉ chiếm 25%, khác so với một số tỉnh cùng vùng. Giá bán xăng dầu tại vùng 1 là thống nhất trong khi chi phí vận hành giữa các tỉnh là khác nhau cũng là một trong những khó khăn.
Thời gian qua, TP.HCM đã đưa ra các giải pháp để huy động các đơn vị có lượng nhập và phân phối xăng dầu lớn gồng gánh cho các đơn vị nhỏ. Petrolimex Sài Gòn đang phải hoạt động 200% công suất nhưng cũng chỉ cơ bản khắc phục được một số khó khăn, vẫn không đủ cung ứng, nhất là tại các huyện vùng ven và quận 12. Đây là các địa bàn có hệ thống bán lẻ không theo chuỗi, kinh doanh hộ gia đình. TP cũng đã đề nghị các doanh nghiệp lớn choàng gánh cho các cửa hàng này.