Tháo gỡ vướng mắc ở sân Mỹ Đình như thế nào?

Lãnh đạo Tổng cục TDTT sẽ có cuộc làm việc với Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình để cùng bàn cách tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến khu liên hợp, trong đó có vấn đề nổi cộm là nợ thuế.

Số tiền nợ thuế của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (viết tắt khu liên hợp) do những vi phạm trong công tác quản lý tài sản công của lãnh đạo nhiệm kỳ trước, đang bị lũy tiến theo thời gian vì cơ quan này hiện không còn khả năng chi trả. Tính từ nay đến hết năm 2022, con số nợ thuế có thể lên đến hơn 1.000 tỷ đồng và hiện cơ quan thuế buộc phải tiến hành biện pháp cưỡng chế hóa đơn đối với khu liên hợp.

Trước đó, tháng 9/2021, Ban lãnh đạo khu liên hợp đã có văn bản trình Thanh tra Chính phủ về việc khu liên hợp đề nghị Tổng cục TDTT báo cáo Bộ VH-TT-DL thống nhất với Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội để được Chính phủ cho phép miễn truy thu nộp tiền thuê đất cho nhà nước. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng không đồng ý với đề nghị này.

Giải quyết vướng mắc ở sân Mỹ Đình  - ảnh 1

Nếu sân Mỹ Đình không giải quyết xong những lùm xùm về tài chính, các tuyển thủ Việt Nam sẽ khó được thi đấu AFF Cup 2022 tại đây

ĐỘC LẬP

Theo chỉ đạo từ Thanh tra Chính phủ, ngày 17/8/2022 là hạn cuối cùng ngành thể thao và khu liên hợp phải có văn bản tiếp theo nêu quan điểm và ý kiến về các nội dung trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về khu liên hợp (được công bố vào tháng 6/2021). Theo kết luận thanh tra, còn có nhiều sai phạm trong việc tự ý cho thuê đất hoặc cho thuê đất trong giai đoạn 2009 - 2018 nhưng tiền lại để ngoài sổ sách dẫn đến thất thoát 777 tỷ đồng… Như vừa đề cập ở trên, vì khu liên hợp không trả tiền thuế trong nhiều năm qua nên số nợ xấu ngày một tăng. Trong ngày hôm qua, tại văn bản trình Thanh tra Chính phủ, khu liên hợp một lần nữa đề nghị cơ quan cấp trên có ý kiến chỉ đạo để các đơn vị thuế tiến hành khoanh nợ cho khu liên hợp. Khu liên hợp báo cáo rõ rằng tất cả khoản nợ hiện tại không phải do lỗi của ban lãnh đạo hiện nay mà từ khóa trước. Do đó không thể để tiếp tục tình cảnh “quýt làm cam chịu”.

Cần có đề án riêng về thuê sân Mỹ Đình

Khi chưa có ý kiến từ cấp trên, nhiều hoạt động của khu liên hợp đang bị đình trệ và nguy cơ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) không thể thuê sân Mỹ Đình làm địa điểm thi đấu cho đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2022 vào cuối năm nay đang dần hiển hiện.

Một quan chức ngành thể thao chia sẻ: “Thật sự là vấn đề nợ thuế của khu liên hợp chúng tôi vẫn chưa có giải pháp dù đã tham khảo ý kiến luật sư. Cơ quan thuế đang làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình với những biện pháp xử lý theo đúng yêu cầu của pháp luật. Với khoản nợ xấu quá lớn, nếu cơ quan thuế không đòi được thì họ cũng sẽ bị các cấp có thẩm quyền khiển trách. Về phía ngành thể thao, chúng tôi biết đây là câu chuyện hết sức nan giải, cần có thời gian dài để giải quyết. Ngành rất mong những vấn đề liên quan đến giám đốc cũ của khu liên hợp (ông Cấn Văn Nghĩa - PV) sớm có kết luận. Từ đó các cơ quan có hướng tháo gỡ tiếp chuyện nợ thuế”.

Chúng tôi đặt câu hỏi: “Vậy ngành thể thao và khu liên hợp sẽ đưa ra biện pháp tình thế nào để khu liên hợp có thể hoạt động trở lại và có nguồn thu chính đáng, trong đó có việc sân Mỹ Đình được tiếp tục cho thuê phục vụ đội tuyển Việt Nam?”, vị này trả lời: “Có 3 vấn đề trọng tâm cần được bàn bạc để cùng giải quyết, nhưng không phải vấn đề nào cũng xử lý được ngay. Ví dụ đối với những hợp đồng không có thời hạn, được ký từ thời lãnh đạo cũ của khu liên hợp, hiện vẫn chưa đòi được thuế từ các doanh nghiệp. Chúng tôi rất muốn có ý kiến cụ thể của cơ quan thuế về vấn đề này. Đây là vấn đề trọng tâm thứ nhất mà ngành thấy không thể xử lý trong một sớm một chiều. Thứ hai là việc sử dụng cơ sở vật chất hiện có của khu liên hợp. Nên thí điểm mô hình cho thuê cơ sở vật chất bằng cách xây dựng đề án riêng (thuê sân Mỹ Đình), không đặt chung vào đề án sử dụng tài sản công của cả khu liên hợp vì đề án chung này quá rộng và rất khó để thực hiện ngay. Chúng tôi đã báo cáo sơ bộ với Bộ VH-TT-DL việc này và tuy chưa có văn bản chính thức nhưng Bộ bước đầu đã đồng ý về mặt chủ trương.

Vấn đề thứ ba là các cấp có thẩm quyền cho phép khu liên hợp được khai thác thông qua việc ký các hợp đồng mới, để đơn vị có tiền duy tu bảo dưỡng sân, trả lương cho cán bộ công nhân viên. Không có bất kỳ nguồn thu nào thì sân Mỹ Đình sẽ rơi vào tình trạng xuống cấp, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Chúng tôi cũng đề nghị khu liên hợp có văn bản đề xuất với cơ quan thuế được xuất hóa đơn lẻ. Việc đề xuất này là được phép, không có gì sai trái cả. Nếu được xuất hóa đơn lẻ, khi có nguồn thu từ thuê sân, khu liên hợp có nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ. Ngành thể thao sẽ tìm các cách hợp lý để sân Mỹ Đình vẫn là nơi diễn ra AFF Cup vào cuối năm nay”.