“Tại cuộc họp, nhiều phương án được đưa ra thảo luận như tính toán theo sản lượng, thay đổi phương pháp tính cước theo gói... Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất phương án thu trọn gói một mức thu cố định 11.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) và không giới hạn số lượng tin nhắn khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Hải cho hay.
Mức giá cước trọn gói không giới hạn lưu lượng cũng được các ngân hàng thương mại đồng thuận, do không tăng cước thu của khách hàng. Ông Hải cho biết, về cơ bản, mức giá này dựa trên mức thu khách hàng của đa số các ngân hàng thương mại trước đây. Nhưng với việc áp dụng phương pháp tính cước mới, khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ không phải trả thêm chi phí tin nhắn do không giới hạn về lưu lượng.
Cách tính này sẽ thay thế cho phương pháp hiện nay là các ngân hàng thương mại đối soát với các doanh nghiệp viễn thông theo từng tin nhắn, dẫn đến phải ban hành nhiều gói cước do sản lượng tin nhắn thấp hoặc cao hơn số thu của khách hàng.
Lãnh đạo Cục Viễn thông cũng cho hay, với việc áp dụng mức cước trọn gói, theo tính toán sơ bộ, mỗi doanh nghiệp viễn thông sẽ giảm doanh thu của chính dịch vụ này khoảng 20 - 30% tuỳ theo từng nhà mạng. Đối với các ngân hàng thương mại, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hiện đã giảm giá các dịch vụ liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt… nên cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định.
Trước đó, nhiều người phản ánh về việc tài khoản ngân hàng gần đây bị trừ phí dịch vụ SMS gấp 5 - 7 lần so với trước. Đơn cử theo biểu phí điều chỉnh từ Vietcombank, kể từ ngày 1.1.2022, nhà băng này áp dụng biểu phí lũy tiến theo số lượng tin nhắn thay vì mức 10.000 đồng/tháng như trước đây.
Theo đó, nếu nhận dưới 20 tin nhắn, phí 10.000 đồng/tháng/số điện thoại, từ 20 đến dưới 50 tin nhắn là 25.000 đồng, từ 50 đến dưới 100 tin nhắn là 50.000 đồng, từ 100 tin nhắn trở lên là 70.000 đồng. Mức phí này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.