Tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022 đạt 8,83%, mức tăng cao nhất của giai đoạn 2021 - 2022, vượt dự kiến.
Bộ KH-ĐT đánh giá, đà phục hồi tăng trưởng thể hiện rõ ở cả 3 khu vực kinh tế, đồng đều giữa các vùng, miền và địa phương.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% so với cùng kỳ năm trước (đóng góp 4,04%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (đóng góp 41,79%).
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%; khu vực dịch vụ tăng 10,57% (đóng góp 54,17%).
Với đà tăng này, Bộ KH-ĐT dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%).
Điều này sẽ tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Cũng theo Bộ KH-ĐT, công tác quản lý, điều hành giá được chỉ đạo, quan tâm quyết liệt, sát sao, hiệu quả, đạt kết quả tốt; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh, áp lực lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn và là đối tác thương mại của Việt Nam.
CPI bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng, lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành chủ động trước áp lực tăng giá của nhiều đồng ngoại tệ, nhất là USD.
Báo cáo dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ giá VND/USD trong 9 tháng năm nay tăng khoảng 2,87% so với cuối năm 2021 và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đồng tiền của nhiều nền kinh tế khác mất giá mạnh.
Lãi suất điều hành ổn định, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong nước chỉ tăng nhẹ. Thanh khoản thị trường tiền tệ được đảm bảo, sẵn sàng cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát.
Thu ngân sách ước cả năm vượt 14,3% so với dự toán. Vốn FDI thực hiện ước đạt 21 - 22 tỉ USD, tăng khoảng 6,4 - 11,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước tăng 10,7%, là động lực để nền kinh tế đẩy nhanh việc mở rộng năng lực sản xuất trong thời gian tới.
Trong số 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 , Bộ KH-ĐT cho biết, có một chỉ tiêu không đạt, là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, ước đạt 5,2%. Mức này thấp hơn mục tiêu 0,3%.