Thoái vốn khỏi các dự án bất động sản để thu lợi nhuận
Trong buổi gặp gỡ với đại diện các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán mới diễn ra, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) công bố giá trị trúng thầu dự án sau 7 tháng đã đạt 15.000 tỷ đồng trên kế hoạch 20.000 tỷ đồng cho cả năm. Ngoài ra, công ty cũng dự kiến thực hiện được khoảng 10.000 tỷ đồng giá trị hợp đồng trúng thầu từ giai đoạn trước trong 6 tháng cuối năm.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng này tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu năm nay kết quả sau nửa đầu năm chưa khả quan. Sau 6 tháng, Hòa Bình mới đạt 40% chỉ tiêu doanh thu và 20% kế hoạch lợi nhuận.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cho biết sẽ triển khai giải pháp mang lại hiệu quả ngay lập tức về tài chính là thoái vốn tại 5 dự án bất động sản, dự kiến thu về lợi nhuận trên 700 tỷ đồng. Các giao dịch chuyển nhượng vốn này sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2022-2024.
Song song đó, đại diện doanh nghiệp cũng cho biết đang nâng cao chất lượng các khoản phải thu thông qua việc chọn lọc khách hàng, hợp tác với các chủ đầu tư có uy tín, tiềm lực. Công ty cũng nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các điều khoản thanh toán đảm bảo quyền lợi cho nhà thầu khi ký kết hợp đồng với chủ đầu tư, ngân hàng.
Quyết tâm tăng vốn thành công
Dù trình bày nhiều triển vọng tích cực trong những năm tới với chiến lược mở rộng ra thị trường nước ngoài, ban lãnh đạo Hòa Bình vẫn nhận được quan ngại từ phía các nhà đầu tư về cấu trúc tài chính của doanh nghiệp với vốn mỏng, tỷ lệ vay nợ cao.
Giãi bày với đại diện các công ty chứng khoán, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình, ông Lê Viết Hải, cho biết đã trình phương án tăng vốn nhiều năm nay nhưng chưa thực hiện được. "Muốn tăng vốn với bất cứ giá nào thì rất dễ, tăng vốn với giá phát hành thấp thì nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào nhưng làm như vậy sẽ pha loãng cổ phiếu, giảm giá trị Hòa Bình", ông Hải nói. Chính vì vậy, thời gian qua doanh nghiệp vẫn dùng đòn bẩy tài chính, phát hành trái phiếu thay vì tăng vốn.
Lần này, ông Hải khẳng định ban lãnh đạo quyết tâm tăng vốn thành công dù điều kiện thị trường hiện tại chưa phải thuận lợi nhất để phát hành với giá cao. Theo nghị quyết đại hội cổ đông, Hòa Bình sẽ phát hành tối đa 74 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 20% cổ phần doanh nghiệp sau khi tăng vốn điều lệ.
Nhắc đến những khó khăn của Hòa Bình, ông Hải cho rằng đó là vấn đề khách quan của cả thị trường khi ngành bất động sản phải đối diện hết thách thức này đến thách thức khác. Những khó khăn chính có thể kể ra gồm thị trường bất động sản đi chậm lại do khó khăn về thủ tục pháp lý tác động đến ngành xây dựng, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng nền kinh tế suốt hai năm liền và hiện tại lạm phát, trượt giá, các dự án địa ốc gặp khó về dòng vốn tín dụng đều ảnh hưởng đến các nhà thầu xây dựng.
Tuy nhiên, theo ông Hải, vấn đề lớn hơn là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà thầu để nhận dự án do mất cân đối cung cầu của ngành xây dựng. "Đó là lý do khiến hoạt động của chúng tôi chưa hiệu quả cao nhưng vẫn tốt hơn so với thị trường. Nhiều nhà thầu đã thua lỗ, kể cả đơn vị lớn", ông Hải chia sẻ.
Một lần nữa, người đứng đầu Hòa Bình khẳng định việc phải tiến ra thị trường nước ngoài là yếu tố kiên quyết để duy trì tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh quy mô thị trường trong nước đã trở nên chật chội. Bốn thị trường chính nhà thầu xây dựng này xác định sẽ mở rộng gồm Canada, Australia, Mỹ, châu Âu. Trong đó, Canada và Australia là nơi Hòa Bình dự kiến có thể xúc tiến những dự án đầu tiên ngay vào cuối năm nay, đầu năm sau.
Doanh nghiệp cũng dự kiến sẽ mua lại một số công ty xây dựng ở chính các nước sẽ phát triển dự án để hạn chế rủi ro về thiếu kinh nghiệm ở thị trường nước ngoài.