Tại kỳ điều chỉnh mới đây hôm 13/6, giá xăng dầu lại lập đỉnh lịch sử mới sau mức tăng mạnh. Hiện giá xăng E5 RON 92 được bán với giá 31.110 đồng/lít; RON 95 là 32.370 đồng/lít; dầu diesel 29.020 đồng/lít, dầu hỏa 27.830 đồng/lít.
Một số doanh nghiệp đưa ra dự báo, kỳ điều chỉnh sắp tới (21/6), giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng. Hiện giá xăng RON 95 đang âm so với giá thế giới khoảng 400 - 700 đồng/lít, E5 RON 92 âm khoảng 300 - 600 đồng/lít và dầu diesel là 500 - 900 đồng/lít.
Giá xăng dầu tăng kỷ lục khiến giá cả hàng hóa dịch vụ nói chung của nền kinh tế tăng theo, tăng áp lực lạm phát. Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội đề xuất tiếp tục giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (16/6), Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đang phối hợp các cơ quan nghiên cứu phương án tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
"Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về phương án tiếp tục miễn giảm thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng dầu. Chính phủ đang nghiên cứu vấn đề này", Bộ trưởng Phớc chia sẻ.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết dự kiến đề xuất, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu.
Từ 1/4 năm nay, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu cũng đã được điều chỉnh giảm 50% cho đến hết năm. Thuế bảo vệ môi trường theo đó còn 2.000 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít hoặc kg đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn (chưa VAT)...
Trong nửa năm còn lại, Bộ Tài chính đánh giá có nhiều thách thức trong công tác điều hành giá nói chung (không chỉ xăng dầu) khi tăng trưởng toàn cầu ảm đạm còn lạm phát liên tục đi lên.
Liên quan đến việc giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu, có rất nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra. Nhiều ý kiến đồng tình việc tiếp tục hạ thuế bảo vệ môi trường bởi trong thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tiến trình sẽ diễn ra nhanh, kịp thời hơn.
Song một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, nếu hạ thuế bảo vệ môi trường giờ chỉ còn có 1.000 - 2000 đồng/lít, nếu giảm nữa thì không còn phí bảo vệ môi trường. Theo đó, vị này cho rằng loại thuế cần phải bỏ hẳn đi là thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế cần giảm là thuế nhập khẩu và VAT.
Tại phiên chất vấn Quốc hội vừa qua, đại biểu nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) còn cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, nếu can thiệp quá nhiều sẽ không vận hành phù hợp với giá thị trường.
Do vậy đại biểu này cho rằng, hãy để tăng giảm theo giá thế giới bởi nếu giảm cái này sẽ ảnh hưởng cái khác, nên can thiệp đúng mức, không thể theo hướng giá rẻ nhất với các nước xung quanh, vị đại biểu đề xuất.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nêu quan điểm trước đề xuất hạ nhiệt giá xăng dầu khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.
Theo ông Diên, đối tác thương mại của Việt Nam là rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nên nếu "ép giá" đầu vào thì có thể bị khởi kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí thao túng tiền tệ.
Ngoài ra, vấn đề hạ giá xăng dầu còn liên quan tới buôn lậu qua biên giới. Do vậy, Bộ trưởng Diên cho rằng phải cân nhắc và tính toán rất kỹ chứ không thể "một chiều". Theo quan điểm của tư lệnh ngành công thương, một mặt vẫn phải cố gắng dùng các công cụ kể cả thuế, kiểm soát thị trường để giảm giá.
Còn trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng quá cao, ông Diên cho rằng, cần dùng chính sách anh sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế. Còn nghiêng về hướng làm sao để "ép" cho giá thật thấp, để giúp giảm giá nguyên liệu đầu vào vô hình trung gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.