Tham dự buổi lễ gồm: Ông Lương Hoàng Hưng - Phó Chủ tịch Liên Hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo; ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Hồng Cơ Group, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch TSS; ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Vecom; ông Trương Gia Bảo - Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số DTS, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam cùng Hội đồng quản lý TSS và nhiều Doanh nghiệp.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch TSS cho biết, xuất phát từ mong muốn thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia cũng như mong muốn của Chính phủ số hoá, chuyển đổi số trong doanh nghiệp để quản lý nhà nước xây dựng một nền kinh tế số nên TSS đã ra đời.
“Chúng tôi mong muốn sẽ là một trong những con chim đầu đàn thúc đẩy chuyển đổi số Việt Nam, giúp nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thành công và có thêm những trung tâm và quản lý tài sản số, thúc đẩy đất nước chúng ta phát triển cường thịnh”, Chủ tịch TSS phát biểu.
Theo ông Lương Hoàng Hưng - Phó Chủ tịch Liên Hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam, đất nước đang từng bước thay đổi biện pháp quản lý cũng như tiếp cận thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế tri thức. Các công ty lớn đều là những công ty công nghệ dựa trên nền tảng kinh tế tri thức để phát triển định hướng kinh doanh công nghệ, đưa cuộc sống con người lên tầm cao.
“Ở Việt Nam chính phủ cũng rất quyết liệt trong việc chuyển đổi số, đưa nền hành chính cũng như điều hành chính phủ tiếp cận với công nghệ cao.
Về mặt Hiệp hội, với sự chỉ đạo quyết liệt Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và sự hỗ trợ của các bộ ngành làm sao để hình thành Trung tâm quản lý tài sản số đầu tiên tại Việt Nam để định hướng được các tài sản số đi đúng hướng để góp phần phát triển kinh tế đất nước”, ông Hưng nhấn mạnh.
Cùng tại buổi lễ, TSS đã ký kết hợp tác chiến lược với Chi hội Blockchain Việt Nam, Liên minh chuyển đổi số DTS và Liên minh Blockchain bền vững BAS.
TSS giữ vai trò lớn là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân để làm nhiệm vụ thúc đẩy, tổ chức các hoạt động số hóa, quản lý tài sản số trong các hoạt động kinh tế theo định hướng kinh tế số của Chính phủ, nhằm phát triển nền kinh tế tri thức tại Việt Nam.
TSS hoạt động các lĩnh vực như: Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong lĩnh vực tài sản số - Dịch vụ khoa học và công nghệ (hỗ trợ thông tin, tư vấn, ứng dụng các giải pháp, chuyển giao - giám sát, tổ chức tập huấn) - Kết nối hợp tác trong và ngoài nước theo lĩnh vực đã được cổ vũ và đồng thuận.