Dự luật sẽ thiết kế lại mức hưởng và tỷ lệ hưởng đảm bảo quyền lợi cho lao động, tuy nhiên ông Nam chưa chia sẻ chi tiết. Dù giảm số năm đóng, cơ quan chuyên môn luôn khuyến khích người lao động đóng thời gian dài vì số năm đóng càng tăng thì tỷ lệ hưởng hưu trí càng cao.
Dự thảo luật đồng thời bổ sung đóng BHXH bắt buộc với nhóm có điều kiện, khả năng như chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; lao động làm việc không trọn thời gian; tăng mức hỗ trợ đóng, bổ sung trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023; thông qua vào kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.
Sau sáu năm thực thi, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập. Thời gian đóng quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu tỷ lệ 45%, nhiều lao động không chờ được, chọn rút BHXH một lần. Người đóng BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, không có ốm đau, thai sản.
Đến hết năm 2021, cả nước có hơn 16,5 triệu người tham gia BHXH, bao phủ 33,7% lực lượng lao động trong độ tuổi (15,1 triệu người khu vực bắt buộc và 1,45 triệu người khu vực tự nguyện); hơn 4,94 triệu người cao tuổi sau độ tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng. Còn hơn 9 triệu người sau tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng tầng an sinh nào.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê, bình quân người tham gia BHXH đóng trong 28 năm với tỷ lệ 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất, hưởng lương hưu bình quân 25 năm với tỷ lệ hưởng 70,1%.
Liên quan đến việc rút BHXH một lần, tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết một kết quả nghiên cứu cho thấy công nhân thường rút BHXH một lần với những trường hợp đóng dưới 10 năm trở lại.
"Có 61,1% công nhân khảo sát cho rằng sẽ nhận BHXH một lần. Tỉ lệ công nhân không có dự định rút là 31,1% và có ý kiến khác là 7,9%. Trong đó, 56,7% công nhân ở miền Bắc có ý định nhận BHXH một lần, thấp hơn so với 63,3% công nhân ở miền Trung và 63,5% công nhân ở miền Nam. Đối với công nhân điện tử và công nhân may, tỉ lệ này là 59,8% và 62,5%"- ông Hiểu thông tin.
Nguyên nhân rút BHXH một lần là do không có tích luỹ, thu nhập bấp bênh và không có niềm tin vào công việc dài hạn... Do đó, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải có các giải pháp phù hợp để điều chỉnh bổ sung các quy định về pháp luật lao động và BHXH cho giai đoạn tới nhằm khuyến khích công nhân không lựa chọn hình thức rút BHXH một lần.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về đề xuất bảo lưu thời gian đóng sau khi rút BHXH một lần, ông Đào Hải Nam cho biết dù trong nội dung sửa đổi Luật BHXH lần này không đề nghị nội dung này nhưng đây cũng là vấn đề ban soạn thảo đang cân nhắc để tới đây sửa luật có hay không bổ sung quy định này. Tuy nhiên, nếu có thực hiện cũng cần có những quy định để hạn chế việc rút và đóng như quy định khoảng thời gian nhất định sau khi rút BHXH một lần được phép bảo lưu"- ông Nam nói.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Hiểu cho biết theo quy định hiện nay, khi rút BHXH một lần toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động không được bảo lưu, tuy nhiên khi sửa đổi dự thảo sửa đổi Luật BHXH cũng nên cân nhắc nội dung này. Trong trường hợp nếu áp dụng cũng nên có quy định rõ ràng về thời gian bảo lưu và thiết kế chính sách theo hướng bao phủ hết thực tế đời sống, tránh tình trạng lạm dụng việc rút BHXH một lần sau đó đóng bổ sung"- ông Hiểu nói.