Nóng lòng chờ công bố kế hoạch đón khách quốc tế sát giờ mở cửa

Ngày 15.3, Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế, được kỳ vọng là dấu mốc quan trọng cho ngành du lịch hồi sinh sau 2 năm kiệt quệ vì Covid-19. Thế nhưng, đến giờ này, khi đã sát mốc đón khách quốc tế, vẫn chưa có kết luận cụ thể doanh nghiệp du lịch phải thực hiện như thế nào.

Ngày 15.2, sáu bộ gồm VH-TT-DL; Y tế; Ngoại giao; Giao thông vận tải; Công an và Quốc phòng thống nhất đề xuất với Chính phủ phương án mở cửa hoàn toàn du lịch vào 15.3. Bộ VH-TT-DL đã có văn bản hướng dẫn các địa phương chuẩn bị. Ngay hôm sau, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận chính thức của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chốt phương án mở bung du lịch từ 15.3.

“Tiếng chuông” từ Chính phủ đã đánh thức toàn bộ hệ sinh thái của ngành du lịch sau kỳ ngủ đông chưa từng có trong lịch sử. Các doanh nghiệp ngành du lịch háo hức bật dậy nhanh chóng với rất nhiều kế hoạch cho ngày trở lại. Địa phương triển khai loạt tour, tuyến mới; hệ thống lưu trú huấn luyện nhân viên, tu bổ lại cơ sở hạ tầng; Lữ hành rục rịch kết nối lại với các đối tác nước ngoài; Hàng loạt dự án triệu USD được các nhà phát triển du lịch bung sức với kỳ vọng bày sẵn tiệc đón khách, bắt cơ hội phục hồi.

Hoang mang sát giờ mở cửa

Thế nhưng, đã hơn 1 tháng trôi qua, sự háo hức, phấn khích dần nhường chỗ cho những hoang mang, lo lắng bởi đến giờ phút này, loạt kế hoạch của DN đang đứng trước nguy cơ “bể kèo” vì hướng dẫn đón khách vẫn chưa được ban hành.

Ông Nguyễn Châu Á - tổng giám đốc Oxalis - không giấu được sự sốt ruột khi đã gần đến ngày mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế nhưng động thái từ cơ quan chức năng vẫn khá... im ắng. 

khach-nuoc-ngoai-lam-thu-tuc-nhap-canh-vao-viet-nam-tai-san-bay-tan-son-nhat-anh-dau-tien-dat-8-6490-1647243797.jpg
Khách nước ngoài làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất

Theo ông Châu Á, doanh nghiệp tha thiết chờ Chính phủ công bố kế hoạch mở cửa nối lại hoạt động du lịch quốc tế hoàn toàn, dù không hề ảo tưởng là quyết định mở cửa ngày 15-3 thì ngày 16 sẽ có hàng trăm ngàn người nước ngoài vào Việt Nam du lịch. 

"Điều đó sẽ không bao giờ có đâu. Chúng ta xác định ngày mở cửa để thống nhất chính sách mở cửa qua lại bình thường giữa Việt Nam và các nước, đừng để nước nào bắt cách ly cả tuần khi bay từ Việt Nam. 

Cùng với đó, hãy sớm tái khởi động chương trình cấp thị thực (visa) cho khách nước ngoài vào Việt Nam, tạo điều kiện để khách du lịch có visa một cách dễ dàng nhất", ông Á kiến nghị những việc cần làm ngay sau ngày 15-3.

Dù còn ngổn ngang và khó đón khách ngay nhưng theo các doanh nghiệp, việc xác định được ngày mở cửa cùng hướng dẫn rõ ràng là cơ sở để doanh nghiệp biết mình cần phải làm gì.

Ông Võ Anh Tài - phó tổng giám đốc Saigontourist Group - cho biết doanh nghiệp đã rất nỗ lực để chuẩn bị cho việc mở cửa vào ngày 15-3. 

Hiện tất cả đơn vị thành viên trong các lĩnh vực lưu trú nghỉ dưỡng, lữ hành, ẩm thực, vui chơi giải trí, truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực du lịch… với thời gian hoạt động liên tục vừa qua, đã sẵn sàng tất cả để thu hút, phục vụ khách quốc tế. 

"Điều doanh nghiệp trông chờ là một kế hoạch, hướng dẫn về mở cửa du lịch inbound và outbound theo hướng đảm bảo thật sự an toàn, thuận lợi trong điều kiện cách ly, kiểm tra y tế cho khách, doanh nghiệp và cộng đồng điểm đến, tạo được năng lực cạnh tranh, thu hút du khách, đạt được mục tiêu phục hồi và phát triển trở lại", ông Tài nói. 

Làm sao đạt mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế?

Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay so với 19 triệu lượt khách trước khi dịch bùng phát. Con số này là rất nhỏ nhưng cũng đầy thách thức trong bối cảnh cách mở cửa của Việt Nam chưa có gì đột phá.

Ông Nguyễn Khoa Luân - giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on - Hop off - nói điều quan trọng nhất sau mở cửa là khách đến bằng cách nào?

"Tôi có một ít khách quốc tế muốn đến Việt Nam nhưng để làm visa cho các chuyên gia này thực sự gian nan vô cùng. Với cơ chế vận hành như thế thì khách không thể tự đến được, các yêu cầu về y tế, thủ tục rất nhiêu khê, chưa kể chúng ta đang cấp visa theo cách rất thủ công. Nên cần nhất là khôi phục chính sách visa du lịch một cách thuận tiện nhất", ông Luân nói về việc cần làm. 

Còn các vấn đề sản phẩm, dịch vụ ăn uống, giải trí... chúng ta đã làm rất tốt và sẽ làm tốt nếu có khách đến.

TS Lương Hoài Nam cũng đồng tình mở cửa là phải tạo điều kiện cho thế giới vào Việt Nam chứ không phải dựng rào cản để khách không vào được hay gây khó khăn. Trong khi thị trường khách nguồn của Việt Nam đang chưa sẵn sàng, tại sao chúng ta không ngồi lại đàm phán quy chế visa dài hạn như 5 năm, 10 năm với những thị trường lớn?

"Ít ra chúng ta phải cởi mở như Thái Lan nếu không rất khó để phát triển du lịch. Họ đã tạo ra ấn tượng về mức độ hiếu khách trước chúng ta", ông Nam nói. 

Ông Trần Thế Dũng - tổng giám đốc Lữ hành Fiditour - Vietlux - nói cần thời gian để biết thị trường thực sự có hồi phục được ngay không sau thời điểm 15-3. Nhiều công ty du lịch cũng ngại tổ chức các tour quốc tế vì chưa lường hết những rắc rối phát sinh trong khi nguồn nhân lực còn hạn chế. 

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đều đã mở cửa, Việt Nam cần có những giải pháp để tăng năng lực cạnh tranh, bởi ngay cả khi Việt Nam không yêu cầu cách ly nhưng vẫn đếm F0 thì tâm lý của du khách vẫn còn e ngại.