Chứng khoán giảm 8 trong 10 phiên gần nhất vì nhà đầu tư cá nhân hoảng sợ khi chứng kiến đợt điều chỉnh sâu vượt xa mọi dự báo, theo chuyên gia. Chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM đã trở về vùng giá cách đây nửa năm khi áp lực bán tháo lan từ nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ, có tính đầu cơ sang các cổ phiếu vốn hoá vừa và lớn.
Áp lực xả hàng khiến thị trường bị bao trùm bởi sắc đỏ 8 trong số 10 phiên giao dịch gần nhất. Trong số này có 5 phiên giao dịch mà chỉ số giảm trên 1,35%, tức không dưới 20 điểm. Vốn hoá sàn TP.HCM vì thế cũng "bốc hơi" hơn 460.000 tỷ đồng, chỉ còn 5,57 triệu tỷ đồng.
Ông Phan Hoàng Sơn, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn thuộc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), cho rằng thị trường chứng khoán vài năm trở lại đây thường biến động mạnh vì những thông tin thời sự về dịch bệnh, bắt giam lãnh đạo hoặc thông tin rất tiêu cực của một doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, các lý do này đều không xuất hiện trong nửa tháng trở lại đây. Do đó, theo ông, việc chỉ số giảm liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại phần nhiều vì tâm lý nhà đầu tư ngày càng bi quan khi chứng kiến đợt điều chỉnh sâu vượt mọi dự báo.
Theo ông Sơn, trong những đợt giảm sâu thì các công ty chứng khoán thường call margin hai lần mỗi phiên. Đây là hoạt động bán bất kỳ chứng khoán nào trong danh mục của nhà đầu tư mà không phải hỏi ý kiến do họ không kịp bổ sung tài sản đảm bảo để đưa tỷ lệ đòn bẩy về mức quy định. Lần đầu thường được thực hiện vào 10h30 với những tài khoản "rất căng". Đối với những tài khoản có độ căng vừa phải, các công ty chứng khoán sẽ call margin vào khoảng 14h nếu thị trường xấu đi.
Các phiên giao dịch gần đây đều xuất hiện nhịp giảm mạnh vào hai khung giờ này. Điển hình như chiều 19/4, VN-Index đảo chiều và rơi thẳng đứng từ 14h. Nhịp giảm này khiến nhiều nhà đầu tư mất bình tĩnh, quyết bán bằng mọi giá làm tình hình trầm trọng hơn.
"Thị trường chứng khoán thời gian qua được dẫn dắt bởi dòng tiền đầu cơ ngắn hạn và sử dụng đòn bẩy tài chính lớn nên rất nhạy cảm với những tín hiệu tiêu cực", ông Sơn nói
Đồng quan điểm, ông Lê Vũ Kim Tinh, Giám đốc chi nhánh Tân Bình thuộc Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), cũng cho rằng call margin và tâm lý yếu là nguyên nhân chính khiến VN-Index mất điểm ngày càng nhiều hơn, từ 0,34% vào giữa tuần trước lên 1,83% trong phiên hôm nay.
Một chuỗi giảm chỉ cần kéo dài bốn phiên có thể đã khiến nhà đầu tư mất lòng tin ngắn hạn vào thị trường. Những ai đã trót vào thì sẽ cố gắng rút ra, còn người chưa vào hoặc đang có ý định vào cũng cân nhắc lại. Vì thế, áp lực bán tại vùng giá giảm 30-40% so với đỉnh rất lớn nhưng dòng tiền bắt đáy vẫn dè dặt.
Theo ông Tinh, dòng tiền đầu cơ rút ra thường kích hoạt một đợt bán tháo kéo dài, đưa những cổ phiếu tăng trưởng nóng trong thời gian ngắn trở lại gần hoặc đúng giá trị thực. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp với tầm nhìn trung và dài hạn có thể có chút bối rối với diễn biến này, nhưng hành động tiếp theo của họ thường là tăng tỷ trọng cổ phiếu bởi kỳ vọng vào câu chuyện thăng hạng thị trường, thoái vốn nhà nước, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp các năm tới vẫn còn nguyên.
Cả hai chuyên gia cùng cho rằng tâm lý bi quan khiến VN-Index còn giảm thêm vài phiên, thủng mốc 1.400 điểm và nếu tiêu cực hơn có thể lui về 1.300 điểm. Báo cáo tài chính quý đầu năm của các doanh nghiệp, ngân hàng lớn được công bố với thông tin tích cực có thể giúp chỉ số xuất hiện những nhịp hồi mang tính kỹ thuật.
"Đây không phải là thời điểm vào bắt đáy, mà là cơ hội để thoát hàng", ông Tinh nói.
Ông khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân giảm tỷ lệ vay ký quỹ về bằng 0, chỉ nắm giữ cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt được mua bằng tiền tươi thóc thật. Ông cũng không đánh giá cao hành động mua bình quân giá cho những mã có tính đầu cơ cao vì cho rằng rất khó để xác định đáy thực sự.
Chuỗi giảm mạnh nhất từ đầu năm đã khiến VN-Index xuyên thủng ngưỡng MA200 (đường trung bình động thể hiện xu hướng giá cổ phiếu trong 200 phiên gần nhất), mở ra khả năng về xu hướng giảm trung hạn. Dựa vào đồ thị kỹ thuật này, nhiều nhóm phân tích cũng đưa ra khuyến nghị tương tự ông Tinh.
Công ty Chứng khoán MB trong báo cáo tối 19/4 cho rằng, nhiều khả năng chỉ số sẽ mất mốc 1.400 trong phiên ngày mai và vùng hỗ trợ lúc này là 1.376 điểm. Công ty Chứng khoán BSC dự đoán khi về gần 1.400 điểm thì chỉ số sẽ bật ngược lên, còn không sẽ lao thẳng xuống 1.380 điểm.
Hai nhóm phân tích cùng quan điểm xu hướng giảm chỉ có thể kết thúc nếu xuất hiện lực bắt đáy của "dòng tiền tham lam". Do đó, nhà đầu tư nên để dành tiền mặt và kiên nhẫn chờ đợi phiên xác nhận tạo đáy mới tham gia lại.