Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn phương án nghỉ Tết 7 ngày, từ 29 tháng chạp tới hết mùng 5 tháng giêng (20-26/1/2023), để trình Thủ tướng.
Có 10 cơ quan đồng tình phương án 7 ngày, nghỉ từ 29 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 5 tháng giêng năm Quý Mão, tức 20/1/2023 đến hết 26/1/2023. 2 đơn vị chọn 9 ngày, từ 30 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 8 tháng giêng năm Quý Mão, tức 21/1/2023 đến hết 29/1/2023. Riêng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất nghỉ 8 ngày (19-26/1/2023, làm bù 28/1/2023) và hai đơn vị chưa góp ý.
Phương án nghỉ Tết Âm lịch năm nay gây nhiều tranh cãi. Chuyên gia cho rằng cơ quan chuyên môn nên sắp xếp nghỉ sớm trước Tết để giảm tải giao thông, tạo điều kiện cho lao động về quê sớm. Cả hai phương án 7 và 9 ngày đều có thời gian nghỉ trước Tết ngắn, rơi vào 29 và 30 tháng chạp.
Chuyên gia cũng góp ý việc xin ý kiến bộ ngành hiện nay mang tính hình thức, cần thay đổi. Chính phủ nên đưa ra nguyên tắc chung về nghỉ Tết. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội căn cứ vào đó để xây dựng và công bố sớm lịch nghỉ hàng năm cho lao động, doanh nghiệp chủ động sản xuất.
Dịp lễ, Tết, người lao động nếu làm thêm giờ, làm việc ban đêm hưởng lương ít nhất bằng 300%. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài 11 ngày nghỉ trên còn được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và một ngày Quốc khánh của nước họ.
Trước đó, 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2023 được Bộ LĐ-TB-XH đưa ra đã nhận được ý kiến trái chiều.
Hầu hết các ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp và người lao động đều cho rằng, cơ quan tham mưu lịch nghỉ Tết cần phải xây dựng lịch nghỉ Tết phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ tết sớm để về quê, giảm áp lực giao thông những ngày cận Tết.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, thời gian nghỉ 2 ngày trước tết cơ bản đáp ứng được việc này. Bộ GTVT cũng nhất trí với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất.