Bộ Tài chính đã trình phương án giảm thuế xăng dầu, xăng tăng lên gần 27.000 đồng 1 lít

Bộ Tài chính cho hay đã trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Trong khi đó, giá xăng dầu được liên bộ Công thương - Tài chính công bố điều chỉnh từ 15h chiều nay 1-3, tăng đồng loạt ở tất cả các mặt hàng.

Xăng tiếp tục tăng giá

Chiều ngày 1-3, giá xăng E5RON92 tăng thêm 540 đồng/lít, từ mức 25.531 đồng/lít lên mức 26.071 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng thêm 550 đồng/lít, từ mức 26.282 đồng/lít lên mức 26.832 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu cũng điều chỉnh tăng, gồm dầu diesel tăng thêm 510 đồng/lít, từ mức 20.800 đồng/lít lên 21.310 đồng/lít; dầu hỏa từ mức 19.509 tăng thêm 470 đồng/lít, lên mức 19.979 đồng/lít; dầu mazut hiện có giá 17.930 đồng/kg tăng thêm 530 đồng/kg lên giá 18.460 đồng/kg.

Để có giá trên, cơ quan điều hành không thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu, trừ mặt hàng dầu mazut trích vào 300 đồng.

xang-1646121278367637422740-1646122821.jpg
Người dân đổ xăng tại cây xăng Petrolimex trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy nhiên, tiếp tục thực hiện chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON95-III ở mức 220 đồng/lít, dầu diesel là 300 đồng/lít...

Như vậy, giá xăng dầu tiếp tục thiết lập kỳ điều chỉnh tăng lần thứ 6 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay do tác động của diễn biến giá thế giới tăng, là mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7-2014.

Giá xăng dầu trong nước chịu tác động mạnh bởi diễn biến giá thế giới do những căng thẳng chính trị của Nga - Ukraine khi tuần vừa qua, giá dầu đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng. 

Dự báo giá dầu tiếp tục leo thang, tạo nên sức ép cho giá thế giới. Hiện Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được kỳ vọng là một biện pháp kiềm chế giá trong thời gian tới.

Trong khi đó, theo dữ liệu được Bộ Công thương cập nhật đến ngày 24-2, giá xăng thành phẩm (khác giá dầu thô) trên thị trường Singapore đã là 117,23 USD/thùng với xăng RON95 (so với 109,3 USD/thùng của kỳ điều chỉnh ngày 21-2). Dầu diesel cũng lên mức 115,82 USD/thùng, tăng so với mức giá 107,75 USD/thùng kỳ trước đó. Như vậy, giá xăng dầu thành phẩm đã tăng khoảng 5%.

Có thể giảm 2.000 đồng/lít từ thuế môi trường?

Trao đổi với PV hôm 28-2, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã trình Chính phủ đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. 

Nhưng thẩm quyền quyết định điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên khi được Chính phủ thông qua, đề xuất sẽ được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo tính toán, hiện 1 lít xăng đang "cõng" khoảng 10.000 đồng tiền thuế các loại. Tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho rằng để kìm đà tăng giá tăng dầu, có thể giảm 50% thuế bảo vệ môi trường xuống mức chỉ còn 2.000 đồng/lít xăng thay vì 4.000 đồng/lít. Mức thuế này có thể tăng lại khi giá xăng dầu hạ nhiệt.

Doanh nghiệp vẫn kêu lỗ

Một đại lý kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội cho biết sau kỳ điều chỉnh ngày 21-2, mặc dù giá xăng dầu đã tăng thêm 1.000 đồng/lít nhưng mức chiết khấu với xăng E5RON92 chỉ 290 đồng/lít, xăng RON95-III là 140 đồng/lít, dầu diesel 0.05 là 300 đồng/lít. Trong đó, mặt hàng xăng RON95 và dầu diesel vẫn hạn chế bán ra.

Tại TP.HCM, mức chiết khấu này còn thấp hơn nhiều. Ông N. - giám đốc doanh nghiệp bán lẻ xăng xăng dầu phía Nam - cho biết chỉ ở mức 50 đồng nhận tại kho nên doanh nghiệp bán lẻ vẫn chịu lỗ khi chi phí nhân viên, vận chuyển, hao hụt cao hơn mức 50 đồng.

Đại diện Công ty Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cho biết hiện nay chênh lệch giữa giá cơ sở của kỳ trước với kỳ này được tính toán đến ngày 27-2 đã lên tới 600 đồng/lít với xăng và 450 đồng/lít với dầu. 

Trường hợp giá xăng dầu thế giới ngày 28-2 tiếp tục tăng, giá trong nước sẽ còn tăng cao hơn nữa. Do đó, kỳ điều hành ngày 1-3 đứng trước áp lực cao.

"Nếu tiếp tục tăng giá lần này thì doanh nghiệp sẽ bù đắp được chi phí, giảm bớt gánh nặng, song sẽ tạo gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng khi giá tăng liên tiếp trong 6 kỳ vừa qua" - vị doanh nhân này nói.

Còn theo một doanh nghiệp đầu mối khác tại phía Nam, với mức giá thế giới tăng cao, nếu kỳ điều hành ngày 1-3 không xả mạnh quỹ bình ổn thì giá xăng trong nước sẽ tăng khoảng 400 đồng. 

Hiện quỹ bình ổn của doanh nghiệp này và nhiều doanh nghiệp đã âm, tổng quỹ hiện chỉ còn gần 900 tỉ đồng - rất thấp, khó có thể kéo dài xả quỹ.

Đã trình phương án giảm thuế xăng dầu - Ảnh 2.

Nhiều đơn vị từng bối rối với quy định giảm thuế VAT - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Có phương án điều hành giá 2 ngày/lần

Thông tin từ Bộ Công thương cho hay các doanh nghiệp đầu mối sẽ được phân giao chỉ tiêu nhập khoảng 2,4 - 2,5 triệu m3 xăng dầu, gồm lượng xăng dầu thiếu hụt do trong nước giảm sản xuất và 20% lượng nhập khẩu bổ sung để phục vụ nhu cầu phục hồi kinh tế.

Về điều hành giá, Bộ Công thương thống nhất điều hành theo tinh thần nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, có tính đến các tình huống cấp bách, tiệm cận giá thế giới. Theo đó, trước hết sẽ tiếp tục thực hiện điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày, nhưng khi cần thì 2 ngày/lần.

Tuy nhiên, khá nhiều doanh nghiệp đầu mối băn khoăn về việc phân giao hạn ngạch để nhập khẩu xăng dầu. Bởi nếu giá dầu giảm mạnh, có thể khiến các doanh nghiệp "ôm" hàng đắt, gặp rủi ro lớn. 

Chưa kể thị trường cũng đang khan hàng, mua theo sản lượng được phân giao sẽ khiến phụ phí rất cao.