HOSE cảnh báo nguy cơ cao bị hủy niêm yết cổ phiếu HVN, Vietnam Airlines xử lý thế nào?

Theo đại diện Vietnam Airlines, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa ra khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN của hãng này vì hãng có nguy cơ lỗ 3 năm liên tiếp và âm vốn chủ sở hữu do kết quả sản xuất kinh doanh.

Đây là tình huống bất khả kháng do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, chứ không phải Vietnam Airlines gian lận, vi phạm, tạm dừng kinh doanh.

Để tránh nguy cơ mà HOSE cảnh báo, Vietnam Airlines đang thực hiện các giải pháp để giảm tối đa mức lỗ, báo cáo Chính phủ đề án tái cơ cấu tổng thể tháo gỡ khó khăn cho hãng này, trong đó đẩy mạnh tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư. 

Ngoài ra, hãng chủ động cơ cấu lại doanh nghiệp toàn diện mọi mặt theo kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thông qua.

may-bay-vna-16100996892491955501027-1663141652.jpg
Vietnam Airlines đang thực hiện các giải pháp để giảm tối đa mức lỗ, báo cáo Chính phủ đề án tái cơ cấu tổng thể tháo gỡ khó khăn cho hãng này, trong đó đẩy mạnh tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư

Về việc cơ quan kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines, đại diện hãng cho biết các năm 2020 và 2021 kiểm toán cũng đưa nghi ngờ này. 

Nghi ngờ này là đúng vì hãng lỗ, lỗ lũy kế tăng, nợ vẫn còn trong bối cảnh hàng không phục hồi chậm nên khó khắc phục trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, kiểm toán cũng ghi nhận nếu Vietnam Airlines có các giải pháp, nỗ lực, có sự hỗ trợ của Nhà nước, giảm, giãn tiến độ trả nợ, giải pháp hỗ trợ thuế phí sẽ giúp hãng vượt qua khó khăn.

"Nói không bị hủy thì không hoàn toàn đúng vì nguy cơ vẫn còn. Còn hủy hay không dựa trên kết quả nỗ lực của hãng và sự chấp thuận giải pháp tái cơ cấu từ Chính phủ. 

Nếu các cơ quan có thẩm quyền cho thực hiện các giải pháp tái cơ cấu thì hãng vẫn có dòng tiền, nguồn vốn để khắc phục lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp và âm vốn chủ sở hữu. Đến thời điểm này Vietnam Airlines vẫn đảm bảo khả năng thanh khoản trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19" - đại diện hãng cho biết.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết thêm trong đề án tái cơ cấu hãng này mà Chính phủ đang xem xét quyết định có những giải pháp thoái vốn doanh nghiệp thành viên, phát hành thêm cổ phiếu… nhằm cân bằng vốn chủ sở hữu.

Việc này thực hiện theo cách 1 là cần một khoản thu nhập đủ lớn từ kinh doanh, bán tài sản…; cách 2 là thêm vốn chủ sở hữu. Vietnam Airlines đang kiến nghị Chính phủ cả 2 cách trong đề án tái cơ cấu. Các thông tin chi tiết hơn sẽ được Vietnam Airlines công bố trong thời điểm phù hợp.

Trước câu hỏi Vietnam Airlines có kiến nghị Chính phủ (nắm 86% cổ phần của Vietnam Airlines) hỗ trợ số tiền cụ thể như gói 12.000 tỷ đồng vào năm 2021, đại diện Vietnam Airlines cho biết vẫn còn nhiều giải pháp để làm như bán tài sản mang lại thu nhập, thoái vốn để giảm lỗ lũy kế, chứ không chỉ có tăng vốn như năm ngoái. 

Ví dụ nếu như Vietnam Airlines thoái vốn ở Pacific Airlines (đang vướng cơ chế chuyển nhượng vốn do các luật vênh nhau dù có 3 nhà đầu tư muốn mua lại), chắc chắn hãng sẽ giảm lỗ lũy kế vì đang nắm 98% vốn của Pacific Airlines, mà Pacific Airlines đang lỗ 7.000 - 8.000 tỷ đồng.