Trung Quốc ngừng nhập trái cây, nông sản chờ thị trường nội địa

Hơn 2.400 xe hàng hóa, nông sản vẫn "nằm dài" ở cửa khẩu, nhiều nhà bán lẻ và chế biến thực phẩm trong nước cam kết tiêu thụ một phần trong số đó.

Ùn ứ nơi cửa khẩu, Lạng Sơn đề nghị tạm dừng đưa nông sản lên cửa khẩu

Bà Đoàn Thu Hà, phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết ngày 4-1, UBND tỉnh có công văn gửi các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp chỉ đạo, khuyến cáo tạm dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu.

Theo bà Hà, hiện nay phía Trung Quốc đang tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện chỉ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Chi Ma và ga đường sắt Đồng Đăng, còn cửa khẩu xuất khẩu chính đối với mặt hàng hoa quả tươi là Tân Thanh, Cốc Nam đang đóng cửa.

nam-tran-2-16412931491501249469519-1641375346.jpg
Hàng ngàn xe nông sản nằm dài chờ đợi ở cửa khẩu

Các cơ quan chức năng phía Trung Quốc đã thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu đối với hàng hóa bảo quản lạnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (tạm dừng trước Tết 14 ngày và sau Tết 14 ngày).

Còn theo Sở Công thương Lạng Sơn, đến sáng nay, tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma vẫn còn tồn 2.461 xe hàng hóa, trong đó có 1.461 xe hoa quả. Trong khi năng lực thông quan xuất khẩu ở cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma khoảng 100 xe/ngày.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho hay các khu vực bến bãi dành cho phương tiện chờ, đỗ hiện nay đều đã quá tải, thời gian chờ thông quan bị kéo dài làm tăng chi phí, khó khăn cho công tác kiểm soát phòng, chống dịch, rất nhiều xe đã phải quay đầu trở lại để bảo quản, tiêu thụ trong nội địa.

"Qua theo dõi, hàng hóa của các địa phương như Long An, Tiền Giang, An Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định… vẫn tiếp tục được đưa lên cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn để chờ xuất khẩu", bà Hà nói và cho biết thống kê ngày 3-1, vẫn có 69 xe hàng hóa, hoa quả từ nội địa lên 2 cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh.

Do đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục khuyến cáo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh dịch vụ vận tải... thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tạm dừng đưa hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng hoa quả tươi, tinh bột sắn, ván bóc... lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhà bán lẻ vào cuộc giải cứu nông sản

Nhiều nhà bán lẻ lớn cho biết sẵn sàng hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản. Ông Nguyễn Thái Dũng, tổng giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG, cho biết sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận nhằm giúp nông sản gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống siêu thị BRGMart. Hệ thống này sẽ chuẩn bị các kho lạnh tích trữ hải sản, trái cây để bán hàng từ nay đến Tết Nguyên đán, đồng thời đẩy mạnh bán hàng trên kênh online.

Theo bà Nguyễn Phương Hồng, giám đốc kế hoạch chuỗi cung ứng Tập đoàn Nafoods Group, với tổng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến lên tới 100.000 tấn/năm, tương đương 300.000 tấn nguyên liệu/năm, doanh nghiệp này sẽ tham gia hỗ trợ tiêu thụ chanh dây và thanh long. "Với các sản phẩm tại cửa khẩu phía Bắc, có thể chuyển về nhà máy ở Nghệ An, còn phía Nam sẽ đưa về nhà máy tại Long An", bà Hồng cho biết.

Ông Đinh Cao Khuê, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), cũng cho biết hiện công ty đang tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm nông sản bị ách tắc tại biên giới. "Nếu các đơn vị có sản phẩm xoài, dứa, chanh dây hay chuối gặp khó khăn trên cửa khẩu, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ", ông Khuê cho hay.

Trong khi đó, theo ông Paul Lê, đại diện Central Retail, hệ thống này sẽ hỗ trợ tiêu thụ các nông sản đạt chuẩn, trong đó tập trung vào thanh long, dưa hấu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng mùa Tết của người dân trong nước. "Ngoài ra, Central Retail có thể hỗ trợ các nông sản đạt chuẩn của Việt Nam đến với hệ thống bán lẻ nước ngoài, không chỉ dừng lại ở Thái Lan mà còn ở thị trường phương Tây như Pháp, Đức, Mỹ...", ông Paul Lê nói.

Ông Lê Thanh Hòa, phó cục trưởng Cục Chế biến & phát triển thị trường nông sản (Bộ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết nhiều nông sản đang vào vụ, nhu cầu tiêu thụ lớn. Những vấn đề ở biên giới đặt ra yêu cầu về việc chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam phải thay đổi, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Một số mặt hàng như thủy sản, rau quả bảo quản lạnh sẽ được Trung Quốc giám sát chặt chẽ.

Khẳng định Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng khi giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường này vẫn đạt khoảng 1,7 tỉ USD trong năm 2021, nhưng ông Hòa cũng khuyến cáo "cần tập trung tiêu thụ tốt các sản phẩm đang vào mùa vụ. Những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu hoặc có công nghệ bảo quản cần tham gia quá trình này, tránh tình trạng để giá nông sản giảm sâu".

Từ 1-1-2022, Trung Quốc áp dụng lệnh 248 và lệnh 249 nhằm quản chặt kinh tế biên mậu, thúc đẩy việc xuất nhập khẩu chính ngạch. "Do đó, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam cần lưu ý nâng cao quy trình sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo có thể tham gia các chuỗi siêu thị lớn của Trung Quốc", ông Hòa đề xuất.